Một vai hai gánh
Hơn 10 năm về trước, sự ra đời của Bưu điện văn hóa xã (BĐVHX) đã góp phần giúp cộng đồng nông thôn thuận lợi hơn trong việc trao đổi thư tín và liên lạc với gia đình họ hàng, bạn bè qua máy điện thoại hữu tuyến gọi đường dài.
Đảm nhận chủ yếu là phần bưu điện, ngoài ra các điểm này còn lồng ghép phục vụ người dân tiếp cận thêm một số tờ báo và một số đầu sách, nên các điểm bưu điện cấp xã được gọi là “Điểm bưu điện văn hóa xã”.
Bưu điện văn hoá xã Phúc Lợi (Lục Yên, Yên Bái) mở cửa, nhưng không có ai vào. |
Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, tổng số đầu sách báo ở các điểm này cho đến hôm nay, chỗ phong phú nhất cũng rất khó vượt qua con số 200, còn điểm lay lắt thì chỉ lèo tèo vài ba cuốn sách cũ. Người dân được mượn đọc tại chỗ chứ không được mượn đưa về nhà. Ấy thế mà, điểm bưu điện đã từng được cho là nơi tạo cơ hội tiếp cận tri thức tối ưu cho cư dân nông thôn và được nói nhiều về hiệu quả của nó.
Sau một thời gian đảm nhận nhiệm vụ “một vai hai gánh”, hệ thống bưu điện cấp xã này đang dần trở nên mờ nhạt trong dân chúng bởi sự phát triển nhanh chóng của hệ thống điện thoại di động và số dân tự mắc điện thoại tại nhà tăng lên. Duy chỉ có phần bưu kiện bưu phẩm vẫn còn hoạt động như vốn có của nó hàng chục năm trước đây.
Phần thư viện thì sao? Vì chỉ được đọc tại chỗ và không được cho mượn về nhà nên đã không hấp dẫn được người dân ngay từ khi nó ra đời. Hơn nữa, phục vụ thư viện cần có không gian đọc tốt, được cho mượn đưa về nhà, số lượng sách báo phải đa dạng và phải có các thủ thư chuyên nghiệp. Nhưng trên thực tế, các yêu cầu này đã không tồn tại.
Như chùa Bà Đanh
Cảnh vắng “khách” là thực trạng chung của các điểm BĐVHX hiện nay. Theo ghi nhận của chúng tôi, tại nhiều điểm BĐVHX dù vẫn đang trong thời gian mở cửa, nhưng lại không hề có một bóng người lai vãng. Phần vì chẳng mấy ai mặn mà, phần vì cách quản lý, điều hành dường như cũng “có vấn đề”. Tại điểm BĐVHX Hưng Khánh (Trấn Yên, Yên Bái), mặc dù đã 10 giờ sáng, nhưng BĐVHX này vẫn “cửa đóng then cài”, chẳng thiết gì việc phục vụ người dân.
Tại điểm BĐVHX Phúc Lợi (Lục Yên, Yên Bái), cửa vẫn mở nhưng phải đợi đến hơn 1 tiếng, chúng tôi mới có thể gặp được cán bộ BĐVHX, và trong suốt thời gian đó, không hề có bất kỳ ai ra vào đây mặc dù đối diện BĐVHX Phúc Lợi là trường THCS của xã. Chị Triệu Thị Tam - nhân viên BĐVHX Phúc Lợi cho biết: “Cách đây khoảng 3 năm, mỗi ngày BĐVHX có hàng chục người đến đọc sách và gọi điện thoại.
Tuy nhiên, thời gian gần đây mỗi tháng chỉ có khoảng gần 10 người đến sử dụng các dịch vụ này”. Theo chị Tam, nguyên nhân là do số lượng sách báo ở các điểm thì vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đọc của người dân. Những tờ báo, đầu sách liên quan mật thiết đến đời sống của họ thì hoàn toàn vắng bóng.
Còn anh Trần Thế Vinh - cán bộ văn hóa của xã An Vũ (Quỳnh Phụ, Thái Bình) thì cho biết, điểm bưu điện của xã anh hiện nay đã đóng cửa bởi không còn khách hàng. Văn thư của xã làm thêm phần bưu tá, tiếp nhận thư từ công văn của xã và của người dân đưa lên điểm bưu điện huyện như trước đây.
Ở xã An Dục kế cạnh xã An Vũ, theo chị Dương Lệ Nga, một người dân sống gần điểm bưu điện cho biết “Chúng tôi hiếm khi đến bưu điện ngoại trừ gửi thư và mua thẻ điện thoại, còn chẳng có ai đến gọi điện hay đọc sách”.
Cũng như thế, anh Dũ Ngọc Việt - cán bộ văn hóa xã Bình Sơn (Hiệp Đức, Quảng Nam) nói: “Điểm bưu điện xã tôi hầu như đã không còn hoạt động trong mấy năm gần đây. Sách báo hầu như không còn vì bị hư hại bởi trận lụt năm 2007 cũng không thấy ai cho bổ sung hay mua thêm các đầu báo liên quan đến người dân nông thôn”.
Quang Thạch - Công Trình