Ngoài mô hình liên kết, dự án cũng đã kết hợp với dự án sau thu hoạch của IRRI (Viện Nghiên cứu lúa quốc tế) để hỗ trợ xây dựng mô hình kinh doanh thông qua các hoạt động tư vấn nâng cấp nhà máy sấy lúa giống từ 10 tấn/mẻ lên 20 tấn/mẻ bảo đảm chất lượng toàn bộ lượng lúa giống của HTX, hỗ trợ tư vấn xây dựng dự án Công ty CP Nông nghiệp, đã được Phó Thủ Tướng Nguyễn Sinh Hùng chấp thuận chủ trương, chính quyền tỉnh, huyện đồng thuận, đang vận động thành lập.
Bên cạnh đó, Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp cũng đã chọn HTX Tân Cường để triển khai thực hiện đề án xây dựng cánh đồng hiện đại, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đồng ruộng, giao thông, thủy lợi.
Như vậy, HTX Tân Cường là điểm tập trung phối hợp giữa 3 đề tài/dự án nhằm sử dụng tốt nhất nguồn lực có thể huy động được: (1) đề tài Xây dựng mô hình liên kết và tiêu thụ lúa hàng hoá chất lượng cao theo hướng GAP, do Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ chủ trì, Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Tháp quản lý, (2) dự án Sau thu hoạch của IRRI, và (3) đề án xây dựng cánh đồng hiện đại do Sở NNPTNT chủ trì.
Kết quả thực hiện vụ đông xuân 2010 - 2011, nông dân được các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL tập huấn quy trình sản xuất lúa theo hướng VietGAP và kỹ thuật sản xuất lúa giống. Hiện trạng kỹ thuật canh tác của nông dân cũng được khảo sát, phân tích, đánh giá để đề xuất biện pháp cải tiến nhằm tăng năng suất, giảm giá thành và bảo đảm chất lượng lúa thương phẩm. Các thí nghiệm so sánh các quy trình sản xuất lúa, xử lý hạt giống và tiết kiệm nước cũng đã được thực hiện ngay trong điều kiện sản xuất của nông dân.
Dự án đã xây dựng 80ha sản xuất lúa theo hướng VietGap liền canh với 36 hộ tham gia và có sự tham gia 4 nhà, sản xuất từng bước theo quy trình của các nhà khoa học hướng dẫn. Cơ giới hóa 100% khâu làm đất và thu hoạch, thống nhất lịch canh tác như xuống giống đồng loạt, gieo sạ mật độ 80 - 120 kg/ha, bơm nước bằng điện, bón phân, phòng trị dịch hại nên giảm chi phí sản xuất.
Kết quả đạt năng suất cao, bình quân 7,2 tấn/ha (cao hơn lúa thường khoảng 0,2 tấn/ha). Chỉ sấy khoảng 56 tấn, còn lại bán tươi khoảng 520 tấn (trong 80ha theo hướng VietGAP). Giá bán lúa tươi 5.000 đồng/kg, lúa khô 6.200 đồng/kg, cao hơn lúa thường khoảng 200 - 500 đồng/kg. Tổng chi phí sản xuất: 17,5 triệu/ha và lợi nhuận 18,5 triệu/ha (hơn 50% chưa kể định phí và lao động gia đình). Qua đây, mối liên kết 4 nhà đã bước đầu được thiết lập, hỗ trợ của viện trường và chính quyền rất tích cực và có hiệu quả.
TS Nguyễn Ngọc Đệ và TS Vũ Anh Pháp
Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL