Dân Việt

Phúc Thọ - Mất cát, mất luôn niềm tin: Có chống lưng cho trùm cát tặc?

Nhóm PV điều tra 06/12/2014 07:45 GMT+7
Tìm hiểu sâu thêm về nạn cát tặc ở Phúc Thọ (Hà Nội), PV NTNN nắm bắt được thêm những thông tin về "ông trùm" của đế chế này - Toàn cụt. Không chỉ có hàng ngàn m3 cát dưới lòng sông bị Toàn và các đàn em hút kiệt mỗi ngày, y còn ngang nhiên thực hiện các hành vi phạm pháp.

Chân dung Toàn cụt - kẻ cầm đầu nhóm cát tặc

Tiếp mạch những bức xúc về sự lộng hành của nhóm khai thác cát tặc, phóng viên được người dân địa phương và lãnh đạo các xã Xuân Phú, Vân Phúc, Vân Nam "chỉ" đích danh tên trùm khai thác cát tặc trên địa bàn huyện Phúc Thọ là Vũ Văn Toàn, tức Toàn cụt. Đây cũng là thông tin trùng với những thông tin mà Bộ Công an cung cấp cho báo chí. Hiện tại, Toàn cụt đang bị truy nã.

img
Nạn cát tặc hoành hành ở Phúc Thọ đã nhiều năm qua nhưng chính quyền dường như không có biện pháp xử lý triệt để? (Ảnh minh họa).   Minh Đức
Toàn cụt vốn là dân địa phương. Sau một thời gian dài lang bạt khắp các nơi, Toàn quay về quê nhà để bắt đầu tổ chức các hoạt động kinh doanh phi pháp của mình. Bằng thủ đoạn dung nạp những đối tượng cộm cán, Toàn nghĩ ra đủ mọi phương kế để làm giàu bất chính. Ban đầu là ép các tàu thuyền qua lại trên dòng sông phải nộp tiền bảo kê. Sau đó là múc đất ở các bãi bồi ven sông bán cho những nơi có nhu cầu mua đất về san lấp. Rồi tiếp đó là "vận hành" bến đò Vân Nam trái phép. Thậm chí, Toàn còn ngang nhiên xây dựng những trụ sở, những công trình trên đất bãi bồi một cách trái phép để tiện cho việc làm ăn.

 

Xác nhận những thông tin trên với phóng viên, ông Đặng Văn Kiều- Chủ tịch UBND xã Vân Phúc cho hay: "Dù đất bãi bồi là do UBND xã quản lý nhưng Toàn vẫn chỉ đạo người của mình lấy máy xúc múc đất để bán cho những người có nhu cầu mua. Chỗ đắc địa thì Toàn cho xây trụ sở. Chúng tôi có ra ngăn cản vài lần nhưng Toàn chẳng coi chúng tôi ra gì. Vì vậy, chúng tôi lại phải làm... báo cáo lên UBND huyện Phúc Thọ để được can thiệp". Và đương nhiên, việc báo cáo này cũng chẳng ảnh hưởng gì tới các hoạt động của băng nhóm Toàn cụt. Thậm chí, theo ông Đặng Văn Kiều, có lần, một Phó Trưởng Công an huyện Phúc Thọ xuống hiện trường một vụ việc xây dựng trái phép của Toàn cụt thì vị này chỉ nhận được thái độ ngông nghênh, bất hợp tác từ Toàn cụt.

"Trong các năm 2011 - 2012, khi bến đò Vân Nam chưa được cấp phép và thậm chí là có văn bản tạm dừng hoạt động từ UBND huyện nhưng Toàn cụt vẫn vận hành bến đò này một cách bình thường. Cũng trong thời gian đó, tại khu vực bến đò này xảy ra 2 tai nạn chết người. Tuy nhiên, điều đó cũng không gây ảnh hưởng gì tới hoạt động khai thác bến đò của Toàn cụt"- một người dân địa phương cho biết. Thông tin này cũng được một vị lãnh đạo UBND xã Vân Nam xác nhận với phóng viên.

Xói mòn niềm tin

"Vài năm gần đây, Toàn cụt còn tạo thêm nguồn thu từ việc cho vay tín dụng “đen”. Đối tượng mà nhóm này nhắm tới là con em các gia đình khá giả trong các xã. Sau đó, Toàn cụt sẽ cho vay với mức lãi cao. Nếu người vay không trả thì hắn ta sẵn sàng cho đàn em tới đòi tiền bằng "công cụ hỗ trợ" là lũ “đầu bò, đầu bướu”, một người dân tại xã Xuân Phú cho hay. Thông tin này cũng được lãnh đạo các xã mà phóng viên liên hệ công tác xác nhận là có cơ sở.

Khi mà băng nhóm Toàn cụt lộng hành, tác oai tác quái gây ảnh hưởng lớn tới đời sống dân sinh và tình hình an ninh trật tự địa phương trong thời gian dài nhưng chính quyền huyện Phúc Thọ không thể dẹp được nên đã gây không ít dư luận xấu trong dân. “Tôi phỏng đoán phải có một ai đó rất lớn chống lưng thì băng nhóm này mới có thể tồn tại lâu như vậy. Điều này khiến những người đã đi qua chiến tranh, đã hy sinh xương máu để bảo vệ đất nước như chúng tôi vô cùng đau xót khi thấy các ác, cái xấu lộng hành; tài nguyên của đất nước bị bòn rút vô tội vạ” - ông Nguyễn Văn Bích-Trưởng thôn Xuân Trù, xã Xuân Phú thở dài nói.

Dẫn chúng tôi ra khu bờ kè mới xây tại xã Vân Nam và Vân Phúc, một người dân trong vùng ngao ngán: “Để ngăn chặn tình trạng sụt lún bãi bồi, đất đai, nhà nước đã phải đổ nhiều tỷ đồng để xây những bờ kè này. Hết kè bờ lại làm kè cọc, chạy ngang từ bờ ra ngoài lòng sông. Tuy nhiên, khi công trình đang làm thì các đối tượng hút cát trái phép đưa thuyền vào tận bờ để hút cát. Vì vậy, bờ kè dù đóng sâu tới 40 – 50m thì cũng bị đổ lên, đổ xuống vài lần. Mỗi lần như vậy là niềm tin mong manh trong chúng tôi lại “đổ” theo những bờ kè ấy! May mà lần này có Bộ Công an ra tay không thì dân đen chúng tôi chẳng biết trông chờ vào đâu”.

Liên quan đến vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an  đã tống đạt quyết định khởi tố và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với 6 bị can.  Trong đó có 3  bị can gồm  Đặng Văn Thành (22 tuổi), Đoàn Hồng Sơn (22 tuổi),  và Nguyễn Văn Hiểu (27 tuổi) đều trú tại huyện Phúc Thọ. Kẻ cầm đầu, Toàn cụt cũng quê Phúc Thọ.  Dư luận cho rằng, nạn cát tặc lộng hành trong thời gian dài, các đối tượng liên quan đều sinh sống, làm việc, quê quán  tại Phúc Thọ nhưng chính quyền Phúc Thọ lại cho rằng không biết, không nắm rõ thì quả là hết sức lạ lùng. 

  Nhiều đảng viên, Bí thư  đảng ủy xã ở Phúc Thọ đã lên tiếng về việc cát tặc ở Phúc Thọ nhưng bù lại là sự im lặng. Vì  sao cấp ủy đảng và chính quyền huyện Phúc Thọ không có biện pháp xử lý dứt điểm, nghiêm minh? Có gì mờ ám ở đây không?  Đó là câu hỏi mà dư luận đề nghị cần làm rõ. 
Đảng bộ và chính quyền huyện phải chịu trách nhiệm

Chuyện cát tặc lộng hành đã có từ lâu. Nhiều cơ quan công luận đã lên tiếng nhưng Đảng bộ và chính quyền huyện không giải quyết được cho đến khi Bộ Công an vào cuộc. Nếu ở đâu Đảng bộ và chính quyền huyện cũng yếu ớt như thế thì tài nguyên của đất nước sẽ được bảo vệ thế nào? Trách nhiệm đầu tiên thuộc về xã rồi đến huyện. Chúng tôi rất mong có sự kiểm điểm nghiêm túc để làm gương cho những địa phương khác trong việc bảo vệ tài nguyên.

Nguyễn Hồng Sinh (Bộ Công Thương)

Nạn khai thác cát trái phép đã được Bộ Công an dẹp bỏ. Nhưng theo tôi câu chuyện chưa thể dừng ở đó. Ngoài việc tiếp tục điều tra, xử lý nghiêm những kẻ khai thác cát trái phép, Bộ Công an cần phải mở rộng điều tra, tìm cho được kẻ nào đã chống lưng cho bọn khai thác cát để loại bỏ ra khỏi bộ máy nhà nước.  

Nguyễn Văn Hùng  (TP.Việt Trì, Phú Thọ)

Việc khai thác cát trái phép ở Phúc Thọ xảy ra nhiều năm nay không chỉ là bức xúc của người dân nơi đây, nó tạo nên dư luận phẫn nộ của toàn xã hội. Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu huyện Phúc Thọ có còn bộ máy lãnh đạo được phân cấp quản lý và điều hành hoạt động nữa hay không? Đảng ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể... không bảo vệ quyền lợi chính đáng, cuộc sống của người dân thì liệu có xứng đáng ở vị trí đương nhiệm nữa hay không?

  Trần Anh Tuấn(Khoái Châu, Hưng Yên)   

l Vụ khai thác cát trái phép bằng những phương tiện hiện đại với quy mô lớn gây hậu quả nghiêm trọng cho nhiều hộ dân kéo dài nhiều năm qua. Người dân có nhiều đơn thư gửi các cấp chính quyền, trong đó có lãnh đạo huyện Phúc Thọ nhưng không được giải quyết. Dư luận đặt câu hỏi lãnh UBND huyện Phúc Thọ thiếu trách nhiệm hay cố tình không giải quyết, bao che cho cát tặc lộng hành?

Nguyễn Tiến Chung (Phường Bạch Đằng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).