Bởi vì, không phải xưa kia mà ngay cả thời hiện đại, các nhà sử học nước ta chỉ chăm chú viết lại lịch sử các triều đại, các cuộc chiến tranh mà ít khi chăm chú lịch sử những sự nghiệp lớn của dân tộc như vỡ hoang, di dân, thủy lợi hay trồng và bảo vệ rừng... Trong khi đó, điều hậu thế cần học hỏi, phán xét trong quá khứ thì có nhiều lĩnh vực chứ không phải chỉ là chính trị, quân sự hay văn hóa, văn học mà thôi.
Nói cho cùng, lịch sử hàng ngàn năm của nước ta có hai sự nghiệp lừng lẫy mang đặc thù ít nước có. Đó là lịch sử hàng chục cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc đánh thắng bọn xâm lược đến từ phương Bắc và bên kia đại dương. Và một lịch sử không kém hào hùng là xây dựng hệ thống đê điều và làm thủy lợi (tưới - tiêu nước) bảo vệ đất đai trồng trọt, là không gian sống để tồn tại và phát triển, xây dựng giang san gấm vóc cho con cháu mai sau.
Cuốn “Lịch sử thủy lợi Việt Nam” đã dựng lại “một nửa lịch sử dân tộc” ấy, với bao mồ hôi, công sức và cả máu nữa, từ thời xây thành Đại La đầu thiên niên kỷ đến nay. Các tác giả đã dày công sưu tầm, chọn lọc, đào bới thư tịch cổ, giới thiệu cho chúng ta về những dấu tích hiện vẫn còn của các bờ đê từ thời Cao Biền “đắp thành Đại La, những đoạn sông cổ quanh thành Cổ Loa, một số dấu tích bờ ruộng cổ hay những con sông đào từ thời Mã Viện” (trang 28). Các chương kế tiếp cũng thật thú vị.
Đó là “thủy lợi từ thời kỳ đầu phong kiến tự chủ” trong đó có việc Lê Hoàn cho đào sông Đồng Cổ từ Hoa Lư đến sông Bà Hòa và sau đó nối với sông Lam ở Nghệ An, nay vẫn còn dấu tích được gọi là “kênh Nhà Lê”. Có thể nói đây là công trình vĩ đại của dân tộc nếu ta tính đến khả năng kỹ thuật thô sơ và nhân lực nhỏ bé của cha ông (chưa tới 1 triệu người thời Tiền Lê).
Cuốn sách dắt chúng ta đi dọc lịch sử đắp đê dào kênh thời Lý Trần đến Lê Sơ, thời Trịnh Nguyễn phân tranh, thời Nguyễn. Và đặc biệt, với tài liệu sưu tầm được còn rất phong phú, các tác giả đã dựng lại lịch sử làm thủy lợi của người Pháp ở Bắc, Trung Bộ và đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long cho đến ngày Cách mạng Tháng Tám. Tác giả đã có cái nhìn khách quan về những công trình thủy lợi tuy mang dấu ấn thực dân, phục vụ quyền lợi khai thác thuộc địa hay ve vuốt sự phản kháng của nông dân, nhưng đã có rất nhiều thành công, mang lại lợi ích to lớn cho nên nông nghiệp lúa nước của dân tộc.
Tát nhiên, do tài liệu nhiều và chính xác, những chương kế tiếp về sự nghiệp thủy lợi sau khi giành được độc lập năm 1945, trải qua thời kỳ chiến tranh trên cả 3 miền, và đặc biệt là sau ngày đất nước thống nhất đã được viết khá chi tiết và công phu. Đây là giai đoạn mà công tác thủy lợi được phát triển nhảy vọt do nhu cầu an ninh lương thực và xuất khẩu. Công sức của nhân dân là không kể xiết để viết nên những trang lịch sử thủy lợi hào hùng.
Cuốn sách quý này đã nói lên được một chân lý: Với một đất nước như Việt Nam, lịch sử thủy lợi (bao gồm hệ thống đê điều vĩ đại) chính là một phần quan trọng nhất của lịch sử dân tộc.