Dân Việt

Giảm tối đa nhập giống ngoại

Thanh Xuân 08/12/2014 15:42 GMT+7
 Trước thực trạng phải nhập khẩu nhiều giống cây trồng, vật nuôi dẫn tới phụ thuộc vào nước ngoài, ngày 5.12, Bộ NNPTNT đã tổ chức Hội nghị toàn quốc về công tác giống cây trồng, vật nuôi để tìm giải pháp tự túc sản xuất giống có chất lượng. 

Giống gì cũng phải nhập

Theo báo cáo mới nhất của Vụ Kế hoạch (Bộ NNPTNT), nước ta đang phải nhập khẩu khá nhiều giống cây trồng, vật nuôi phổ biến như lúa, ngô, lợn, bò, gà... Trong đó, về giống lúa, ở miền Bắc hệ thống sản xuất giống chính quy đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu; ở ĐBSCL, hệ thống giống chính quy mới đáp ứng khoảng 15% nhu cầu giống lúa gieo cấy; hệ giống giống nông hộ đáp ứng khoảng 25%, còn lại nông dân tự để giống. Riêng giống lúa lai, trong nước mới đáp ứng khoảng 35% nhu cầu (năm 2014-2015), 65% còn lại phụ thuộc vào nhập khẩu.

img

Nhiều nông dân vẫn tự tạo nguồn giống cho mình bằng phương pháp chiết, ghép thủ công. (Trong ảnh: Nông dân thực hiện ghép giống cây ca cao tại Đăk Lăk).


Về giống ngô, hiện nay các giống do Viện Nghiên cứu ngô chọn tạo chiếm khoảng 30 - 35% thị phần, trong khi giống của các doanh nghiệp (DN) nước ngoài như Syngenta, Monsanto, CP… chiếm tới 55 - 60%. Đáng chú ý là các giống vật nuôi chính ở nước ta hiện nay chủ yếu đều có nguồn gốc nhập khẩu: Giống gà trên 90%; giống lợn khoảng 74%; 21% số bò thịt cũng được nhân ra từ phương pháp thụ tinh nhân tạo có nguồn gốc nhập khẩu từ Úc và 79% số bò còn lại được nhân ra không rõ nguồn gốc bố (do áp dụng phương pháp giao phối trực tiếp).

Bên cạnh đó, trong chăn nuôi hiện nay người dân sử dụng giống thương phẩm làm đàn bố mẹ khá phổ biến: 70-75% với lợn, gần 60% với gà, 15,7% với thủy cầm. Tương tự, trong lĩnh vực thủy sản, các cơ sở nhân giống cá rô phi hiện mới đáp ứng được hơn 70%; con giống nhuyễn thể 50%...

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho biết, mới đây trên nghị trường Quốc hội, các đại biểu cũng đã chất vấn về điều này. Cụ thể là 1 năm Chính phủ giao cho khoảng 1.000 tỷ đồng để nghiên cứu KHCN trong nông nghiệp, dù con số không nhiều, nhưng cũng không ít nên người dân có quyền đặt câu hỏi: Mỗi năm các nhà khoa học nghiên cứu được bao nhiêu giống tốt cho nông dân? Tại sao nhà nghiên cứu ở các viện không tạo ra được sản phẩm nổi bật, nhưng DN lại làm được? Trả lời thắc mắc của Bộ trưởng, đại diện Viện Cây lương thực và cây thực phẩm nói: “Có thể do DN có mức đãi ngộ tốt hơn”.

Liên quan tới vấn đề này, TS Nguyễn Thanh Sơn – Viện trưởng Viện Chăn nuôi bày tỏ: “Bản thân tôi từng làm quản lý, giờ chuyển sang công tác ở Viện nên rất hiểu nỗi khổ của các nhà khoa học. Hiện lương của các nhà khoa học trung bình chỉ đạt 8 triệu đồng/tháng, trong khi DN họ trả 40 triệu đồng/tháng và cấp cả ô tô đi lại. Rất nhiều nhà khoa học yêu nghề và có lương tâm, trách nhiệm với nghề, muốn làm được điều gì đó cho nghiên cứu nên vẫn tiếp tục gắn bó với các viện, nhưng đa phần các nhà khoa học trẻ đều chọn con đường đến với DN”.

Ông Sơn cho biết thêm, hiện lĩnh vực nghiên cứu giống chỉ được đầu tư khoảng 3 triệu USD mỗi năm, trong khi một DN ở Mỹ chỉ nghiên cứu giống vịt họ đã chi 40 triệu USD/năm. Với mức đầu tư như hiện nay, để có được rất nhiều giống phục vụ ngành nông nghiệp như Viện Chăn nuôi và các viện khác đã làm là nỗ lực rất lớn. “Vấn đề cần làm hiện nay là cần chọn một số giống chủ lực, sau đó Bộ đặt hàng cho các viện, cộng thêm tiền của viện đối ứng và vận động DN cùng tham gia thì chắc chắc các viện sẽ sản xuất được những giống tốt hơn” – ông Sơn nói.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho rằng, qua hội nghị này đã nhìn thấy một “nhân tố mới” chính là vai trò của DN. “Điều quan trọng là phải thay đổi cách làm, cách phối hợp sao cho hiệu quả hơn. Nhà khoa học có thể nhận mức lương 100 triệu đồng, thậm chí 200 – 300 triệu đồng/tháng nhưng phải đem lại ích, đem lại những giống có chất lượng cho người dân” – Bộ trưởng Phát nhấn mạnh.

Đưa ngành giống tới trình độ quốc tế

Quan điểm

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát
 Tôi sẽ không lấy làm lạ khi nhà khoa học có thể nhận mức lương 100 triệu đồng, thậm chí 200 - 300 triệu đồng/tháng, mà cần phải thấy đó là tín hiệu vui, nhưng miễn là phải đem lại lợi ích, đem lại những giống có chất lượng cho người dân”.  
Trước xu hướng mở cửa và hội nhập quốc tế sâu rộng, Bộ trưởng Cao Đức Phát tiếp tục nhấn mạnh về việc các loại nông sản nước ta phải bám sát yêu cầu thị trường quốc tế, cạnh tranh tốt cả về năng suất và chất lượng; ngành giống cũng cần được công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo điều kiện để nông nghiệp thích ứng hiệu quả hơn đối với những thay đổi của khí hậu, đất đai và nguồn nước cũng như phát huy cao hơn lợi thế tự nhiên của quốc gia và từng vùng.

 

“Chúng ta đang chứng kiến những sự thay đổi nhanh chóng trong công nghệ sản xuất, chọn tạo và nhân giống. Rõ ràng trách nhiệm của chúng ta là phải nắm bắt và đưa ngành giống vươn tới trình độ quốc tế. Một nền nông nghiệp muốn cạnh tranh thành công chắc chắn phải bắt đầu từ ngành giống đạt trình độ của quốc tế” - Bộ trưởng Phát nhấn mạnh.

Cụ thể, đối với ngành trồng lúa, thay vì tập trung chọn tạo giống có năng suất cao, ngắn ngày thì cần tạo ra những giống có chất lượng, và chất lượng đó phải được thể hiện thông qua sự đánh giá của thị trường, được thị trường trả giá cao hơn. “Chỉ có những giống lúa đặc tính tốt, ổn định, được trồng quy mô lớn thì mới tạo điều kiện cho Việt Nam xây dựng hình ảnh một nước sản xuất lúa gạo chất lượng tốt và DN cũng mới có thể xây dựng thương hiệu bền vững” - Bộ trưởng nói.

Tương tự, với các loại rau quả hay ngành chăn nuôi, thủy sản, Việt Nam cần vươn lên để có những giống gia cầm, gia súc, thủy sản nuôi ở nước ta nhưng có những đặc tính tiếp cận với trình độ quốc tế. “Về lâu dài, cần giảm đến mức tối đa việc nhập khẩu giống thương phẩm, giảm tỷ lệ giống do nông dân tự sản xuất theo truyền thống và sử dụng nhiều hơn các giống kỹ thuật đảm bảo yêu cầu. Cần tập trung nâng cao chất lượng giống của những cây con lợi thế và có cơ chế, chính sách khuyến khích DN tham gia vào công tác này” – Bộ trưởng Phát nhấn mạnh.