Cưới to để làm gì?
Đó là chuyện của chị Q.P., trưởng phòng PR một công ty dầu khí ở Vũng Tàu. Chị và người chồng trước quen nhau thời học sinh đến khi tốt nghiệp đại học, ra trường, mỗi người đều có việc làm ổn định rồi mới cưới, một đám cưới nổi tiếng cả thành phố biển.
Rồi cái ngày chị biết mình có thai, bỏ việc chạy về nhà định thông báo tin vui với chồng, thì thấy đấng lang quân đang “tập trận” cùng người tình ngay tại phòng ngủ của hai vợ chồng! Con chưa chào đời, chị đã thành bà mẹ đơn thân! Bây giờ con gái đã ba tuổi, là “gái một con...” nhưng Q.P. nhất quyết không lấy chồng.
Chị tâm sự: “Tôi vẫn ở với bạn trai hai năm nay. Tính cách chúng tôi trái ngược nhau, như trước đây, thể nào tôi cũng bực mình, nhưng sau cuộc hôn nhân đổ vỡ trước, tôi không còn chấp nhặt những chuyện như vậy nữa. Hiện tại, tôi rất hạnh phúc mà không cần đám cưới nữa”.
Chị L. Anh, 39 tuổi, giám đốc một công ty kinh doanh thuỷ sản, cũng nghĩ tương tự. Chị có một con trai với chồng cũ, năm nay học lớp 6. Hàng tuần, bạn trai chị (một người nước ngoài, vốn là khách hàng của chị) vẫn tới rước hai mẹ con đi chơi.
Hỏi sao hai người không dọn về ở chung nhà, chị cười sang sảng: “Ở chung nhà bao nhiêu tật xấu phơi hết ra ngoài, thà mình có cuộc sống riêng, chia sẻ nhau những lúc vui buồn, cuộc sống đỡ áp lực hơn chứ!” Hỏi: “Nếu thấy người ta hợp ý với mình, chị có định cưới không?” Chị trả lời rất nhanh: “Không cần! Lúc trước mình làm tới ba tiệc cưới, mặc đến sáu cái váy đẹp, cũng có giữ nổi chân chồng đâu?”
Có nhà có xe, cưới cũng chưa muộn!
N. Tường là giám đốc văn phòng đại diện phía Nam của một công ty quảng cáo tầm cỡ. Trước khi sự nghiệp tiến triển, chị cũng hai lần yêu đương, nhưng không đi đến đâu. Chán, N. Tường dồn hết cho công việc. Chỉ trong vòng ba năm, tên tuổi chị trở nên quen thuộc trong giới quảng cáo.
Bước sang “hàng băm” đã vài năm, nhưng đồng nghiệp và người thân của chị vẫn mỏi cổ chờ thiệp mừng, dù chị đã chung sống như vợ chồng với một anh chàng kỹ sư xây dựng lớn hơn hai tuổi, chưa vợ! Ai hỏi, chị vẫn tỉnh bơ: “Đợi có nhà có xe, cưới cho nó sướng!”
M. Linh và Hùng quen nhau hồi đại học, đến năm thứ tư thì dọn về thổi cơm chung. Tính đến nay, hai người đã có “thâm niên” vợ chồng gần sáu năm. Khi được hỏi tại sao không cưới, hai người cùng nói như nhau: cưới về cũng ở nhà thuê, sinh con không có hộ khẩu, khám bệnh cũng không có bảo hiểm y tế, thà ở vậy dành dụm tiền mua đất xây nhà còn hơn!
Có nhiều thứ cần hơn một đám cưới
Chị T. Loan và anh Q. Dũng quen nhau chưa lâu thì có thai ngoài ý muốn, trong khi cả hai người đều mơ hồ nhận thấy người kia không hẳn phù hợp với mình. Vì không muốn phá thai, anh chị sinh con và dọn về ở chung với nhau, chỉ đăng ký kết hôn để khai sinh cho con, không tổ chức đám cưới.
Sau mười lăm năm chung sống, đã có hai mặt con đủ nếp đủ tẻ, anh chị tâm sự: “Vợ chồng tôi đã hơn chục lần đâm đơn ra toà. Thực sự chúng tôi quá khác biệt, đụng chỗ nào cũng thấy mâu thuẫn. Tôi muốn có một người vợ “ở trong nhà”, biết thu xếp vun vén gia đình, chăm sóc con cái tươm tất. Vợ tôi lại mê công việc, sẵn sàng bỏ nhà cửa bề bộn, chừng nào công việc hoàn thành thì mới chịu lo tới việc nhà! Hai vợ chồng đều bận rộn, về nhà là cáu gắt.
Tuy nhiên, sau mỗi lần tranh cãi, đòi đưa nhau ra toà, thì lại nhận ra thêm một chút đáng yêu nơi người bạn đời, thế là thôi! Bây giờ, sang tuổi bốn mươi, cả hai đều nhận ra: tính tình con người rất quan trọng, nhưng nếu yêu thương và muốn ở với nhau lâu dài, phải học cách chấp nhận nhau”.
Đám cưới có quan trọng?
Thật ra là quan trọng, nhất là đối với người phụ nữ trong xã hội Á Đông. Ai cũng muốn đứa con gái mình cất công nuôi dưỡng, chăm sóc sẽ được lên xe hoa, trong một đám cưới trang trọng, báo với họ hàng, anh em, bạn bè rằng: tôi đã hoàn thành “sứ mệnh” của mình, con gái tôi đã lấy chồng! Thế nên mới có chuyện, cha mẹ hai bên dù không có tiền vẫn vay mượn đông tây để làm đám cưới cho con, cưới xong hai vợ chồng “còng lưng” ra trả nợ.
Nhưng rõ ràng, sự sang trọng của nhà hàng, đẳng cấp của MC, vị ngon của món ăn hay độ mịn khăn trải bàn chẳng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng của một cuộc hôn nhân, khi người ta chung sống với hàng chục thói quen, xấu có tốt có của người vợ, người chồng, trong hàng chục năm.
Hơn nữa, như chị Cẩm Vân, chuyên gia tâm lý, chia sẻ: “Bản chất đám cưới cũng là một kiểu cam kết với nhau, hứa hẹn sẽ sống với nhau đầu bạc răng long. Nhưng thay vì vắt óc nghĩ cách “hứa” thế nào cho sang trọng, bạn chỉ cần nghĩ đến cách “làm” thế nào cho thành công. Chỉ cần một đám cưới đơn giản, ý nghĩa nhưng ấm áp, tiết kiệm, nhất là trong thời buổi khó khăn. Tôi không tin là có người đàn bà không muốn được cưới”.