Phiên tòa xét xử vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm đã diễn ra được sáu ngày. Trong số sáu bị cáo làm đơn kháng cáo thì năm bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt về tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Riêng bị cáo Kiên kháng cáo kêu oan về cả bốn tội danh, trong đó Kiên kêu oan cho đồng phạm về tội cố ý làm trái... Những người tham dự phiên tòa đều hiểu rõ ràng, việc bị cáo Kiên kêu oan cho đồng phạm cũng là một cách để biện minh cho hành vi phạm tội của mình.
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên. |
Đối với hành vi trốn thuế từ việc nhận ủy thác đầu tư tài chính trái pháp luật mà Kiên bị Tòa sơ thẩm tuyên phạt 6 năm tù giam. Trong phiên tòa phúc thẩm, Kiên trình bày nội dung kháng cáo: “Công ty B&B do tôi làm Chủ tịch HĐQT đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề. Quá trình kinh doanh, Công ty B&B đã nhận ủy thác đầu tư tài chính từ em gái tôi thì không có gì vi phạm”.
Để làm rõ hành vi trốn thuế, HĐXX hỏi bị cáo Kiên “Công ty B&B không được cơ quan chức năng cấp phép đăng ký kinh doanh ngành nghề ủy thác đầu tư tài chính, nhưng Công ty B&B vẫn nhận ủy thác đầu tư tài chính để trốn thuế là sai phạm hay không sai phạm?”. Kiên tiếp tục biện minh “Công ty B&B không đăng ký kinh doanh ngành nghề này, nhưng theo tôi được biết, pháp luật không quy định nên việc Công ty B&B nhận ủy thác đầu tư tài chính cũng không có gì sai”.
Trước lập luận bừa của Kiên, HĐXX đã giải thích “Pháp luật luôn giám sát và điều chỉnh mọi hoạt động về kinh tế- xã hội… đã được các Luật, Nghị định và Thông tư quy định. Vậy nên mới cần vai trò quản lý của các cơ quan Nhà nước trong quá trình doanh nghiệp hoạt động. Nhà nước tạo mọi điều kiện, nhưng vẫn quản lý doanh nghiệp hoạt động theo đúng quy định đó là cách để duy trì sự ổn định và lành mạnh của môi trường kinh doanh”.
Về hành vi chuyển nhượng trái phép 20 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Thép Hòa Phát để chiếm đoạt số tiền 264 tỷ đồng, trong phiên xử phúc thẩm, Kiên cho rằng, việc này đã thống nhất với ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát thì không thể quy kết là lừa đảo. Tuy nhiên, khi HĐXX cả hai phiên xử cho đối chất, ông Trần Đình Long đều khẳng định, không biết việc công ty của Kiên chuyển nhượng số cổ phiếu này. Việc chuyển nhượng này là do Kiên tự chỉ đạo cấp dưới thực hiện chứ không có văn bản thống nhất với Tập đoàn Hòa Phát.
Bị người trong cuộc vạch trần hành vi vi phạm trước tòa, Kiên tiếp tục phân trần “Quá trình chuyển nhượng cổ phần giữa Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội (Kiên làm Chủ tịch HĐQT - PV) đã xảy ra sai sót. Vì thế, tôi đã có những hành động để khắc phục sai sót này nhưng do Ngân hàng ACB chậm thủ tục liên quan nên việc khắc phục sai sót chưa diễn ra như ý muốn của tôi. Khi xảy ra vụ án này, công ty của tôi chưa kết thúc thực hiện trách nhiệm nên không thể quy kết, tôi đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Kháng cáo về hành vi cố ý làm trái quy định liên quan đến việc HĐQT Ngân hàng ACB ủy thác cho 19 nhân viên dưới quyền mang số tiền gần 720 tỷ đồng của Ngân hàng ACB đi gửi tại Vietinbank, sau đó bị Huỳnh Thị Huyền Như lợi dụng để chiếm đoạt toàn bộ, bị cáo Kiên một mực phủ nhận trách nhiệm của mình về việc này. Không những thế, Kiên còn liên tục kêu oan cho đồng phạm. Thế nhưng đồng phạm của Kiên lại thừa nhận sai phạm và xin HĐXX phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt. Để chứng minh việc Tòa sơ thẩm quy kết Kiên và đồng phạm về hành vi này là có cơ sở, HĐXX phúc thẩm đã công bố nhiều văn bản Luật liên quan đến hành vi này là trái quy định của Luật Tổ chức tín dụng năm 2010.
Phiên tòa phúc thẩm đã đi được nửa chặng đường. Những người tham dự phiên tòa đều nhận thấy rõ, những lý lẽ biện minh Kiên đưa ra là để chối tội nhưng lý lẽ ấy lại không đủ thuyết phục. HĐXX phúc thẩm cũng chưa đưa ra phán quyết nào về hành vi của bị cáo Kiên và đồng phạm. Nhưng phải thừa nhận rằng, HĐXX phúc thẩm vụ án này đã dành nhiều thời gian lắng nghe ý kiến lập luận của các bị cáo cũng như những người tham gia tố tụng để chứng minh cho quy kết của Tòa sơ thẩm mà họ thấy chưa thuyết phục. Căn cứ theo lời khai nhận của các bị cáo đồng phạm với bị cáo Kiên có thể thấy rõ, các tài liệu thể hiện trong quá trình điều tra vụ án này đã được Cơ quan CSĐT Bộ Công an làm đúng thủ tục tố tụng, thể hiện đúng bản chất của vụ án.
Chính những tài liệu chính xác của Cơ quan điều tra đã kịp thời vạch trần những hành vi vi phạm pháp luật của Kiên và đồng phạm. Việc các cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành điều tra, truy tố và xét xử ở hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm vụ án này một cách khách quan đã góp phần quan trọng vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng.