- Còn 13 ngày nữa.
- Lại là con số 13, xui lắm!
Cả CLB Gốc đa bỗng trầm xuống. Cụ lão nông lên tiếng:
- Các vị đều đang sống ở thế kỷ 21 mà sao còn mê tín dị đoan vậy?
- Bố già ơi, U70 như bố thì tương lai rõ rồi, chúng em còn sống cả chục năm nên mới lo. Vài nhiệm kỳ nữa ra vấn đề đấy.
- Cứ cho là mê tín đi, nhưng sao ở Mỹ vẫn có người vào rừng chạy chết, có nơi đào hầm, đóng cả tàu cứu nạn như NôÊ trong kinh thánh, ở Nga còn bán cả túi đồ như chạy bão, phòng mất điện?
- “Ở đâu cũng có anh hùng/ Ở đâu cũng có thằng khùng, thằng điên” - anh giáo làng lại ngâm nga.
- Không nói thế được đâu, anh giáo ơi. Bây giờ là thời của tâm linh, nhiều người hết tin vào thực trạng xã hội, chuyển niềm tin sang thần thánh, nhiều chuyện rồ dại lắm.
- Vấn đề ở chỗ chúng ta không kiểm soát được “dịch vụ” tâm linh, buôn thần bán thánh. Nhiều người kinh doanh các dịch vụ này giàu như “đại gia”.
- Kể cả “đại gia” giàu có rồi vẫn cúng bái, cầu nọ cầu kia.
- Ngày xưa - cụ lão nông tiếp lời- dân quê mình làm ruộng cũng “Trông trời, trông đất, trông mây/Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm/Trông cho chân cứng đá mềm/Trời yên bể lặng mới yên tấm lòng”. Đó là sự trông mong của người lao động được mưa thuận gió hoà để cày cấy, chứ không cầu xin tài lộc từ đâu đến đầy nhà đầy túi. Không làm mà ngồi cầu có ăn. Có ăn rồi còn mong nhiều, thành tỷ phú. Trái hết với lối sống truyền thống hay lam hay làm của dân ta.
- Làm ruộng, làm thợ có mong đủ chẳng được, có cầu chẳng thấy giàu sang, không đói là may. Đang bình bàn hộ nghèo để được trợ cấp cuối năm đây. Làm ăn quần quật cả năm mong thoát nghèo, đến lúc cuối năm bình chọn lại tranh nhau được nghèo, chả hiểu ra làm sao.
- Muốn nghèo mà dễ à, do cán bộ xã thôn quyết định hết. Báo chí bắt đầu phanh phui nhà cán bộ 2 tầng khang trang cũng là hộ nghèo đấy. Tưởng nhà quê không có tham nhũng sao?
- Tôi chỉ lo vụ bình chọn này mất hết tình nghĩa láng giềng. Cùng làng xóm, hiểu rõ nhau như bàn tay, một nhà được xuống nghèo, nhà kia không được, thế là hậm hực, ghét nhau. Nghèo đâu có dễ mà mong!
Lý Lão Làng