Tôi yêu chồng tôi 4 năm thì quyết định cưới. Dù nói thật, tôi hơi e ngại gia đình anh. Không phải là tôi có thành kiến gì nhưng từ lúc yêu, tôi đã thấy cách sống của gia đình anh hơi khác với gia đình tôi.
Bố mẹ tôi là công chức về hưu, là người làm công ăn lương nhà nước, có thể gọi là an phận thủ thường. Ngày ngày đi làm, hàng tháng lĩnh lương, chẳng bao giờ phải xoay chong chóng để kiếm từng bữa ăn. Bố mẹ tôi cũng hiền lành, chân chất, không bon chen tính toán. Cả đời tích cóp được bao nhiêu đều là để phần cho con, cho cháu.
Ngược lại, bố mẹ chồng tôi là người làm ăn buôn bán. Tôi nghe chồng kể bố mẹ anh đi lên từ hai bàn tay trắng. Nhà anh ngày xưa nghèo “rớt mùng tơi”. Mẹ anh từng là công nhân nhưng sau khi bị tai nạn lao động, đành phải nghỉ mất sức. Bà ở nhà nuôi 2 anh em, còn bố anh đi biệt xứ, làm đủ mọi ngành nghề để lo cho vợ con. Cũng may, bố anh nhanh nhẹn nên gần chục năm sau, nhà anh bắt đầu có của ăn của để.
Từng trải qua giai đoạn khó khăn, nên dù kinh tế đã khá hơn, mẹ anh vẫn giữ thói quen tằn tiện từ thuở hàn vi. Những ngày đầu tiên về nhà chồng, tôi ngạc nhiên khi bữa cơm gia đình 4 người đạm bạc với mấy con cá rô đồng rán, canh mướp nấu không và mấy quả cà. Buổi chiều, mẹ chồng tôi cho cả nhà ăn cơm… rang hành từ cơm nguội buổi trưa và thêm mấy cọng dưa. Tôi biết ý, mấy ngày sau tôi đều giành việc đi chợ, nấu cơm về mình. Dù đã đưa cho mẹ tiền ăn của 2 vợ chồng, mỗi lần đi chợ tôi đều tự bỏ tiền túi của mình mua thức ăn ngon cho cả nhà.
Tôi mang bầu con trai đầu lòng, cũng là cháu đích tôn của ông bà, đúng vào đợt tháng 6-7, nắng như đổ lửa. Tôi vốn dĩ đã không chịu được nóng, lại còn bầu bí nên người cứ như bốc hỏa. Chưa kể, phòng của vợ chồng tôi vừa bé, vừa bí lại ở tầng 2 trên cùng, lợp mái tôn. Tôi không chịu được liền bàn với chồng sửa sang phòng lại một chút rồi lắp điều hòa.
Vừa mới nói ý định với mẹ chồng, bà đã mắng vợ chồng tôi sa sả: “Chúng mày giờ sướng nhỉ. Hơi tí là kêu ca nọ kia. Ngày xưa tao đẻ chúng mày làm gì có cái gì. Mà cái nhà này tao ở bao lâu có thấy nóng đâu. Có biết điều hòa tốn điện như thế nào không? Lấy tiền đâu mà trả”. Nghe mẹ chồng nói, tôi lặng cả người.
Trong suốt thời gian mang bầu, tôi cũng chẳng được một câu hỏi han, an ủi. Cơm nước, giặt giũ, việc nhà đều đến tay tôi. Tôi cũng không kêu ca gì cả vì coi đó là bổn phận của mình. Nhưng sự thờ ơ của mẹ chồng với chính cháu ruột là điều khiến tôi khổ tâm nhất.
Gần ngày sinh, tôi bị trượt chân ngã ra máu. Lúc đó là 11 giờ đêm, chồng tôi cuống cuồng gọi taxi đưa tôi vào viện. Anh bảo mẹ xách theo cái làn đựng đồ sơ sinh rồi vào viện cùng tôi luôn. Ai ngờ mẹ anh buông 1 câu: “Mấy giờ rồi, tao buồn ngủ lắm, không đi đâu”. Chồng tôi sững người, lúng túng. Tôi dù đau cũng cố nói nhỏ với anh: “Anh cứ đưa em vào viện trước, rồi gọi cho ông bà ngoại hộ em”.
Bố mẹ tôi nghe tin thì tức tốc chạy ngay vào viện. Dì và 2 đứa em họ tôi gần đấy cũng vào viện xem tình hình thế nào. Bác sĩ chỉ định tôi mổ cấp cứu ngay vì máu ra nhiều. Cũng may vào viện nhanh nên mẹ con đều không gặp nguy hiểm. Cả đêm hôm ấy mọi người trong nhà tôi thức trắng, trừ… mẹ chồng. Rồi tôi nằm viện cả tuần, cũng chẳng thấy mẹ chồng đâu. Chồng tôi cũng ngại, nói đỡ: “Mẹ mệt nên ở nhà, với lại cũng cần người trông nhà”. Bố chồng đi làm xa còn gọi về cho tôi hỏi han, dặn dò, còn mẹ chồng thì tuyệt nhiên không 1 câu hỏi thăm.
Thời gian ở cữ, mẹ đẻ tôi phải ngày ngày đều hỏi tôi thích ăn gì để mang sang. Mẹ tôi xót con, xót cháu khi tôi thì ít sữa mà ngày nào mẹ chồng cũng cho tôi ăn cơm rang với dưa cà. Mang tiếng ở với mẹ chồng nhưng bà chẳng mấy khi bế thằng cháu đích tôn. Tôi với chồng cứ thay nhau trông con, rồi giặt tã, bỉm. Tôi cũng chỉ dám kiêng kị 2 tuần đầu, sau đó phải lo việc nhà, chợ búa cơm nước. Chồng thương tôi cũng nhắc khéo mẹ nhưng bà chỉ ậm ừ cho qua chuyện.
Đến lúc tôi đi làm, để cháu cho bà trông. Bà trông chưa được 1 tuần mà con sút đi mất 5 lạng. Mỗi lần đi làm về tôi lại nghe bà than thở: “Thằng này nghịch như quỷ. Tao cho ăn mà nó không ăn. Cả ngày quấy khóc. Phát mệt”. Một hôm, tôi đi làm về, sờ trán con thấy nóng rực. Hốt hoảng cặp nhiệt độ thấy sốt gần 39 độ. Tôi vội dán miếng hạ sốt cho con rồi gọi chồng mang con đi viện.
Trong lúc vội vàng, tôi có ý trách bà sao cháu sốt mà không báo cho tôi biết. Ai ngờ bà giận: “Vâng, ngày xưa thằng chồng chị nó sốt 39-40 độ rồi cũng có làm sao đâu. Vẫn lấy vợ đẻ con đấy thôi. Đúng là phú quý sinh lễ nghĩa”. Sau hôm ấy, tôi xin phép bà cho mẹ con sang nhà ngoại 1 thời gian. Tưởng bà làm khó dễ, ai ngờ bà đồng ý luôn, và có vẻ mừng ra mặt: “Ừ, sang bên đấy đi. Thằng cu khóc tao cũng chẳng ngủ ngon được”.
Tôi thi thoảng lại xin mang con về ngoại. Bà ngoại vỗ béo được 1 thời gian, về nhà nội thằng cu lại tọp đi. Cứ thế nên con tôi cứ gầy nhẳng gầy nheo. Nhìn mà thương. Thằng cu được hơn 1 tuổi thì tôi phải đi tập huấn gần 1 tháng trong Sài Gòn. Công việc không bỏ được nên tôi phải để con cho bà nội trông. Bố thằng cu thì cũng công tác suốt, lại đúng dịp ông bà ngoại vào Tây Nguyên nhận mộ bác là liệt sĩ, nên tôi càng lo.
Hết 1 tháng, tôi lao về nhà. Đập vào mắt tôi là cảnh con ngồi trong cũi, quần nhoe nhoét phân, bốc mùi thối. Không thấy bà nội đâu. Tôi vừa lau rửa cho con, vừa lấy tay gạt nước mắt. Một lúc sau mới thấy bà nội về. Nói với bà, bà thản nhiên: “Tao ra chợ mua đồ về nấu cơm. Làm gì có ai trông. Cho nó vào cũi là yên tâm rồi, có bò ra được đâu. Phân đấy thì về dọn, có sao đâu”.
Về nhà, chơi với con, tôi thấy cháu có biểu hiện lạ. Mắt đờ đẫn, không nhanh nhẹn hoạt bát như trước, cứ cúi gầm mặt xuống đất. Trước đây, bảo chỉ áo đẹp, quần đẹp, ảnh bố, ảnh mẹ là cháu ê a, tay chân khua loạn xạ. Giờ cháu chẳng có phản ứng gì. Tôi hỏi bà thời gian qua bà trông cháu thế nào, bà bảo: “Thì tao cứ nhốt vào cũi rồi bật ti vi cho nó xem. Trộm vía là xem tivi nó lại không quấy. Nhẹ cả người. Bố nó công tác suốt, có ở nhà đâu. Làm sao mà tao trông được”. Ngay hôm sau tôi cho cháu đi khám thì phát hiện cháu có dấu hiệu tự kỷ.
Tôi thương con không cầm được nước mắt. Xin nghỉ việc không lương 3 tháng để ở nhà với con. Đêm nào tôi cũng khóc ướt đẫm gối. Dù đã được bác sĩ tâm lý đưa cho phác đồ điều trị nhưng tôi vẫn rất lo lắng. Cứ cho là con tôi mới chỉ có dấu hiệu tự kỷ, chưa bị nặng nên sẽ sớm hồi phục, liệu sau này ở với một người bà vô tâm như thế, cháu có bị lại không? Chồng tôi thì nhu nhược, thương vợ thương con đấy nhưng chẳng dám cãi lời mẹ. Tôi thì thế nào cũng được, nhưng còn con tôi, cháu sẽ phát triển thế nào đây?. Tôi thật sự lo sợ cho tương lai của cháu.