Những câu thơ nói trên nằm trong bài Thanh Bình điệu của Lý Bạch: “Nhất chi hồng diễm lộ ngưng hương/Vu sơn vân vũ uổng đoạn trường” (dịch nghĩa: “Một nhành hồng thắm móc ngưng hương/Chuyện mây mưa ở Vu Sơn vốn đoạn trường”. Sự việc do TS Trần Trọng Dương phát hiện và công bố trên báo chí tuần qua.
Bài thơ không tục nhưng đặt không đúng chỗ
PV hỏi ý kiến Th.S Phạm Văn Ánh, Phó Trưởng phòng Văn học Việt Nam Cổ - Trung đại. Ông Ánh nhận xét: “Bản thân bài thơ thì không phải là tục, nhưng khi đặt vào ngôi chùa Vân Tiêu ở Yên Tử thì lại thành tục. Bởi vì bài thơ được Lý Bạch làm để ca ngợi vẻ đẹp của Dương Quý Phi thời Đường. Trong bài có chi tiết “thần nữ ở núi Vu Sơn”.
Về nhân vật thần nữ này, trong bài thơ Cao Đường phú tự của nhà thơ Tống Ngọc thời Chiến Quốc có kể về vị vua nước Sở mơ thấy mình được ái ân với một phụ nữ, khi hỏi ra thì người phụ nữ xưng là thần ở núi Vu Sơn. Nên nhắc đến vị thần này chính là nói đến chuyện ân ái. Nói “mây mưa” cũng vậy. Chúng ta hay nói “lên đỉnh”, chính là lên đỉnh Vu Sơn” .
“Những câu thơ ca ngợi vẻ đẹp của người phụ nữ thời Đường của Trung Quốc lại được in trên bình đặt ở nơi thờ tự một vị vua thời Trần của Việt Nam, nghe qua đã thấy không phù hợp rồi. Đó là chưa nói đến cách mô tả vẻ đẹp đó mang chất ái ân, nhục dục, chỉ nên đặt ở nhà riêng” - ông Phạm Văn Ánh nói tiếp.
Chiếc bình được đặt ở tam bảo chùa Vân Tiêu, Yên Tử (bên trái là bài thơ trên bình được phóng lớn) - tả vẻ đẹp nhục dục của Dương Quý Phi. (Ảnh: Trần Dương - Thanhnien Online)
Hoành phi, câu đối cũng sai nhiều
Đưa thứ gì vào nơi thờ tự cũng cần xem xét kỹ lưỡng, nhưng sau trường hợp chiếc bình có thơ Lý Bạch, một câu hỏi được đặt ra: còn có sai sót gì ở các vật phẩm có in chữ Hán tại các đền, chùa hiện nay không?
Trong khi đó, số bình, lọ kiểu này ở các di tích là rất nhiều, theo ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh thanh tra Bộ VH,TT&DL, khi trả lời một tờ báo, là “có di tích có đến 20 cái lọ như thế và đều do người dân cúng tiến”. Nếu có chữ Hán, nhiều khi chính người cúng tiến và người quản lý di tích cũng không biết đó là chữ gì.
Các di tích đều có ban quản lý và được quản lý theo luật, trong đó có cả quy định, không phải ngẫu hứng muốn đưa gì vào thì đưa. Nhưng với những đóng góp dạng công đức cho di tích, như ghế đá, sư tử đá, câu đối, hoành phi... thì nhiều nơi vẫn tiếp nhận mà không kiểm định rõ: vật đóng góp có đảm bảo về độ thẩm mỹ hay không và nếu có in chữ thì nội dung có phù hợp với di tích hay không.
Bức hoành phi ở Đền Trung (thuộc Đền Hùng, Phú Thọ), được đọc từ phải qua là “Triệu Tổ Nam Bang”. Chữ “Tổ” được khoanh tròn, nét thừa có mũi tên (Ảnh: Chụp ngày 13/3/2013, do ông Sinh cung cấp)
“Không chỉ cái bình nói trên, tôi đến nhiều di tích, thấy hoành phi, câu đối viết sai lăng nhăng cả” - ông Ánh nói. “Chẳng hạn, cách đây khá lâu tôi đến một ngôi đền ở Bắc Ninh thì thấy hoành phi “Bàn Thái Bát Triều” hay “Thái Sơn Bắc Đẩu” đều viết sai chữ Hán. Các câu đối khác cũng có chỗ sai. Tôi cũng góp ý với ban quản lý di tích nhưng không rõ sau đó họ có sửa không”.
Năm 2013, các lỗi sai chữ Hán trên hoành phi, câu đối ở Đền Hùng và Đền Mẫu Âu Cơ cũng được người dân biết chữ Hán và báo chí phản ánh. Đó đều là các lỗi sai viết thừa nét, thiếu nét, hoặc câu đối bị đặt sai quy tắc.
Khi nêu ra hiện tượng “thơ tục ở Yên Tử”, TS Trần Trọng Dương đề xuất có chút đùa cợt: “Phải yêu cầu người quản lý di tích đi học ngay chữ Hán”. Yêu cầu đó khá khó thực hiện, nhưng còn việc nhờ các chuyên gia về chữ Hán tại các viện nghiên cứu thẩm định hoặc góp ý? Theo ông Ánh: “Nếu mỗi lần đưa vật trưng bày vào di tích lại phải đến viện nghiên cứu nọ hỏi giáo sư kia thì cũng mất nhiều công sức”.