Xung quanh những dư luận và tranh cãi gần đây về vấn đề đạo beat, đạo nhạc, có thể thấy nổi lên một bộ phận công chúng chưa hiểu biết thấu đáo hoặc ngộ nhận về thế nào là đạo nhạc, sao chép, vay mượn, bắt chước, ảnh hưởng cũng như lẫn lộn giữa đạo đức và tài năng của nghệ sĩ…
Thứ nhất, về chuyện sáng tác trên beat nhạc có sẵn, nhiều người vẫn hoang mang không biết có được hay không và có người lại còn cho rằng nó có liên quan đến hiểu biết về công nghệ hiện đại, người tiên tiến thì chấp nhận, người lạc hậu thì không (?!)
Việc viết melody trên beat có sẵn của người khác chỉ cấm trong trường hợp: Không xin phép tác giả bản beat hoặc không ghi tên nguồn của bản beat. Nghĩa là những hành vi bị quy vào phạm pháp luật bản quyền và đạo đức (Mượn đồ phải xin phép chủ nhân nếu không muốn bị quy là ăn cắp). Ngoài những yêu cầu đó ra, việc sáng tác trên beat có sẵn vẫn được xem là một hoạt động sáng tác đàng hoàng tử tế.
Tuy nhiên, đối với người có yêu cầu cao về sáng tạo thì việc làm này không được đánh giá cao và xem trọng, trừ khi nó là dạng bài tập sáng tác cho những người đang học trên ghế nhà trường. Nó không nên trở thành một thói quen viết nhạc khi đã trở thành một nhạc sĩ chuyên nghiệp. Chỉ có thế thôi!
Chuyện hai bài hát có giống nhau hay không thì phải căn cứ trên việc nó giống nhau như thế nào về liều lượng tổng thể và chi tiết cấu thành tác phẩm. Qua đó để xem đó là do ảnh hưởng, vay mượn hay sao chép chứ không nhất thiết luôn luôn là đạo nhạc! Chúng ta cũng biết, có những ca khúc mượn theme âm nhạc của bài khác để đưa vào sáng tác của mình như là một nguồn cảm hứng hoặc để làm một đề dẫn cho sự phát triển giai điệu khác. Việc làm này không bị xem là “đạo” nếu tác giả ghi rõ công khai nguồn chất liệu đó trong sản phẩm âm nhạc của mình.
Nếu không, tất nhiên bài hát đó đã vi phạm pháp luật lẫn đạo đức. Sự vay mượn này có thể thấy trong mọi lãnh vực sáng tạo nghệ thuật chứ không riêng gì âm nhạc. Và đôi khi nhờ tài năng cao từ chỗ vay mượn, tác giả còn tạo nên những sáng tác còn hay hơn từ nguồn vay mượn. Thế nhưng, điều đó thường chỉ thấy ở những nhân tài kiệt xuất mà thôi.
Có những người có lập luận rất đáng suy nghĩ về nhân cách và nhận thức giữa tài năng và đạo đức khi cho rằng (đại ý): “Tôi thấy anh ta viết bài này trên beat của người ta mà còn hay hơn giai điệu gốc nữa, như vậy cũng đáng khen rồi”!
Hay như ý kiến khác: “Anh ta đạo giai điệu người khác mà cho ra bài hát nghe tuyệt vời hơn bản gốc thì có gì mà chê bai”?! Và có sốc không khi một nhạc sĩ lão làng cũng tỏ ra quá rộng lượng: “Nếu anh ta có nhập tâm giai điệu hay của người khác thì anh ta cũng mất công sức để viết nên một bài hát kia mà”!
Nhạc sĩ Trần Minh Phi