Tàu VP Asphalt 2 bị tấn công vào lúc 4 giờ 30 sáng 7.12 khi đang trên hành trình về Việt Nam, ở vị trí cách Singapore khoảng 60 hải lý. Theo Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam, vị trí tàu VP Asphalt 2 bị cướp biển tấn công gần với vị trí tàu Sunrise 689 bị tấn công ngày 2.10.
Cảnh báo từ nhiều năm trước
Ngày 8.12, trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Hoàng – Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết: “Không phải đến hai vụ cướp biển tấn công tàu chở hàng Việt Nam vừa qua chúng tôi mới có cảnh báo. Những cảnh báo, hướng dẫn chung về các biện pháp phòng tránh cướp biển của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) đã được Cục Hàng hải gửi đến các chủ tàu từ nhiều năm trước. Cục Hàng hải cũng có nhiều công văn cảnh báo, hướng dẫn cách phòng tránh, ứng phó với cướp biển, gần nhất là vào tháng 9.2013”.
Trong vụ việc tàu chở hàng Việt Nam VP Asphalt vừa bị tấn công khiến một thuyền viên tử vong, ông Nguyễn Hoàng – Cục phó Cục Hàng hải cho biết: “Tàu VP Asphalt 2 bị tấn công ở vùng biển Singapore nên nước sở tại chịu trách nhiệm điều tra vụ việc. Quốc gia có tàu treo cờ là Việt Nam cũng có trách nhiệm trong phạm vi nhiệm vụ của mình. Chủ tàu cũng có nhiệm vụ đảm bảo quyền lợi cho các thuyền viên, lo vận chuyển thi thể của thuyền viên tử nạn về nước và phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra vụ việc”.
Sau khi liên lạc, phối hợp với cơ quan tìm kiếm cứu nạn của Singapore cử trực thăng đưa thuyền viên bị bắn vào bờ, Cục Hàng hải cũng đã có văn bản gửi Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao đề nghị bảo hộ công dân khi tàu quay trở lại Singapore phục vụ công tác điều tra.
Được biết, đơn vị chủ tàu VP Asphalt 2 là Công ty CP Vận tải hóa dầu VP đã cử người sang Singapore phối hợp với các cơ quan chức năng đưa thi thể thuyền viên Trần Đức Đạt - người bị cướp biển bắn chết - về nước.
Khu vực đặc biệt nguy hiểm
Ông Đỗ Xuân Quỳnh – Tổng Thư ký Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam cũng cho biết: “Không phải bây giờ mới cảnh báo, tôi nhớ cách đây 4 năm Diễn đàn chủ tàu châu Á đã cảnh báo cho tất cả hội viên rồi. Chúng tôi đã có thông báo, nạn cướp biển khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung đặc biệt nguy hiểm, chỉ đứng sau khu vực Somali và Tây Phi. Tôi vừa đi họp về và chuẩn bị gửi tiếp thông báo cho các hội viên”.
Khuyến cáo của Trung tâm Báo cáo cướp biển thuộc Cục Hàng hải quốc tế cũng chỉ ra những khu vực luôn tiềm ẩn nguy cơ cướp biển ở khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ Dương. Cụ thể, vùng biển Indonesia ở khu vực quần đảo Anambas/ Natuna/ Mangkai/ Subi Besar, cướp biển thường được trang bị súng, dao hoặc dao phay và tấn công tàu vào ban đêm. Khu vực biển Malaysia được cảnh báo ở ngoài khơi Tioman/ Pulau Aur. Còn các tàu đi qua khu vực eo biển Singapore được khuyến cáo nên duy trì chế độ kiểm tra, giám sát chặt chẽ để đề phòng, cướp biển thường tấn công tàu trong khi hành trình hoặc neo đậu tại khu vực phía Đông OPL.