Dân Việt

Nữ cao thủ nhảy dù Việt Nam

18/10/2014 06:29 GMT+7
Nhiều thành viên Câu lạc bộ (CLB) hàng không phía Nam thuộc Sư đoàn Không quân 370 ngoài nhảy dù còn chơi dù bay (paramotor) dù lượn, mô hình hàng không có điều khiển, leo núi, bơi thuyền vượt ghềnh thác, đua xe…
Trong số họ, có một phụ nữ, được mệnh danh là nữ nhảy dù đầu tiên ở miền Nam, gần như chẳng bỏ qua môn thể thao mạo hiểm nào.
img Sẵn sàng chinh phục không gian (chị Lan, thứ ba từ trái sang)

Chị là Nguyễn Thị Ngọc Lan, trưởng bộ môn nhảy dù hàng không một thời, hóa ra là người từng có cơ duyên với báo Tiền Phong qua những giải Việt dã khi chị còn biên chế ở đội điền kinh tỉnh Khánh Hòa. Thiếu tá Nguyễn Văn Chiên, giảng viên dù của CLB cho biết, chị Lan là người tham gia từ những ngày đầu CLB mở lớp đào tạo nhảy dù.

“Nhà mình ở Nha Trang, những khi ra biển chơi hay gặp phi công trực thăng sau khi họ đi bay về. Nhìn họ mình ngưỡng mộ lắm. Từ nhỏ mình luôn ao ước một ngày được ngồi trên trực thăng, ngắm quê hương từ trên cao nhưng không có dịp. Khi biết tin CLB đăng tuyển học viên khóa nhảy dù, mình đăng ký ngay”.

Khóa đầu tiên năm 2007 có khoảng 60 học viên, trong đó 10 học viên nữ và chị là người được “đặc cách” tham dự. Lý do là, theo điều lệ CLB, độ tuổi quy định của nữ vận động viên nhảy dù giới hạn từ 18-35, nhưng chị Lan đã 47 tuổi, là học viên “lão làng” nhất khi đó.

img

Trên trực thăng vận đến bãi nhảy

Đại úy Ngô Việt Hồng, Chủ nhiệm dù Sư đoàn Không quân 370, cho biết, nhảy dù là môn thể thao mạo hiểm, đòi hỏi sức khỏe và kỹ thuật cá nhân rất tốt. Khi người nhảy dù tiếp đất, lực va chạm rất mạnh, nên người nhảy phải thuần thục kỹ thuật tiếp đất, đồng thời phải có xương khớp cứng cáp, khỏe mạnh để tránh bong gân, trật khớp, thậm chí gãy xương.

Chị Lan chia sẻ, mình là người lớn tuổi, lại chơi môn thể thao mới mở thí điểm tại miền Nam nên phải học hành làm sao để không xảy ra bất cứ sai sót gì.

Sau 100 giờ học lý thuyết, thực hành mặt đất đạt loại giỏi, tình trạng sức khỏe được Hội đồng y học hàng không đánh giá tốt, chị Lan được đánh giá đủ điều kiện nhảy dù. Đó là ngày mà chị vui tới mất ngủ, tiếp theo là chuỗi ngày sống trong cảm giác lâng lâng khi leo lên máy bay trực thăng từ sân bay Tân Sơn Nhất ra sân bay Biên Hòa nhảy dù lần đầu tiên.

Lại thêm một vinh dự khi chị là người phụ nữ đầu tiên trong số những người đủ tiêu chuẩn được chọn nhảy dù tại đợt nhảy dù dân sự đầu tiên ở phía Nam. Trước đó, người nhảy dù chỉ toàn nam quân nhân.

Tính đến nay chị Lan đã nhảy tổng cộng 48 lần với nhiều loại dù khác nhau, với nhiều bài nhảy từ cơ bản đến phức tạp, nâng cao. Về dù nhảy, chị Lan đã nhảy với dù Đ5, Đ6 là loại dù trắng dành cho người mới nhảy, dù bung ra ngay khi rời khỏi máy bay.

Ngay trong năm 2007, chị Lan đã chuyển sang nhảy dù màu PTL72, loại dù thể thao có thể điều khiển phương hướng, tốc độ theo ý mình thích. Tiếp đó, chị chuyển sang nhảy rơi tự do 3 giây với dù T4. Nhảy dù rơi tự do là kỹ thuật nhảy khó chỉ dành cho những người đã có bản lĩnh, kinh nghiệm và tích lũy nhiều giờ nhảy.

img

Tiếp đất thành công

 “Hồi đó mê nhảy dù, lúc nào cũng ngóng xem có cơ hội là leo lên máy bay. Theo quy định, phi công quân đội bắt buộc phải tham gia nhảy dù hằng năm. Mình hên, hay được phi công cho nhảy ké nên số lần nhảy bao giờ cũng nhiều nhất câu lạc bộ”, chị Lan chia sẻ


“Hồi đó mê nhảy dù, lúc nào cũng ngóng xem có cơ hội là leo lên máy bay. Theo quy định, phi công quân đội bắt buộc phải tham gia nhảy dù hằng năm. Mình hên, hay được phi công cho nhảy ké nên số lần nhảy bao giờ cũng nhiều nhất CLB. Nhất là những năm 2007 – 2008. Có lần mình nhảy dù 5 ngày liên tục. Vào năm 2010 mình nhảy 18 lần, trong đó 6 lần ở Biên Hòa, ra Nha Trang nhảy 6 lần, vào Sài Gòn lại lên Biên Hòa nhảy 6 lần” - chị Lan chia sẻ.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong đời nhảy dù là vào tháng 12.2007, nhân kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không. Nội dung lễ kỷ niệm có tiết mục nhảy dù. Lần đó không hiểu sao CLB hàng không miền Bắc không tham dự. CLB hàng không miền Nam cử ra ba người, duy nhất chị Lan là nữ. Tham dự lễ có nhiều khách VIP nên ban tổ chức yêu cầu đội nhảy dù không được hạ cánh trước hoặc trên nóc mà phải hạ cánh về phía sau hoặc hai bên hông khán đài.

Leo lên máy bay mới thấy lo. Mùa đông, thời tiết xấu, mây mù, gió lạnh và mạnh. Nhảy ra khỏi máy bay, cả đội rơi tõm vào mây, không thấy gì hết. Tình thế rất nguy hiểm, người thiếu kinh nghiệm dễ hoảng loạn kéo dù bậy, hạ cánh ẩu có thể gây nguy hiểm cho mình và làm hỏng buổi lễ. Mẫn cảm của người nhảy dù giúp chị bình tĩnh xử lý dù hạ cánh sau khán đài dù khi thoát ra khỏi đám mây, nhìn thấy khán đài dù đã mất độ cao.

img
Bung dù trên không

Thời gian sau này, vừa nhảy dù chị Lan chơi luôn cả môn dù lượn (paragliding). “Vào mùa nhảy dù thì nhảy dù. Hết mùa nhảy dù thì chơi dù lượn”. Dù lượn cần độ cao nên trong Nam thì ra hòn Hồng (Phan Thiết), Langbiang (Lâm Đồng), ngoài Bắc thì tới Bái Nhạ (Lạc Sơn, Hòa Bình), Mù Cang Chải (Yên Bái)… Rồi leo núi, chinh phục độ cao đỉnh Bi Đúp (Lâm Đồng), theo đường núi, băng rừng 50km đổ từ Bi Đúp về Phước Bình theo hành trình qua hai miền khí hậu.

Không chỉ leo núi trong nước, chị Lan cũng tham gia leo núi Kinabalu ở Malaysia cao nhất Đông Nam Á… Mới đây, chị cho biết đang chuẩn bị để tham gia nhóm bơi xuồng hơi vượt thác ghềnh (Rafting) thả xuôi từ sông Đạ Hoai.

Gia đình chị Lan thuộc “nòi” thể thao. Chị theo điền kinh, sau này mê nhảy dù, dù lượn, leo núi…Chồng chị, thượng tá Trần Minh Khang, vang bóng một thời khi là tuyển thủ bóng chuyền quốc gia những năm 1978 – 1980.

Sau này anh còn gặt hái nhiều vinh quang khi dẫn dắt đội bóng chuyền Quân đoàn 4 Nam chinh Bắc chiến và là huấn luyện viên đội tuyển bóng chuyền Việt Nam. Anh chị có hai con trai, một theo nghiệp bố, thi đấu tại đội bóng chuyền Quân đoàn 4, một theo ngành thiết kế đồ họa.

Hút chết!

Chị Lan kể về lần tham dự cuộc thi dù lượn quốc tế tổ chức tại Bái Nhạ (Hòa Bình) năm 2012. Nội dung bay từ đỉnh núi đáp điểm xuống chân núi. Thời tiết hôm đó không tốt nhưng trọng tài Thái Lan vẫn phát lệnh bay. Lúc đầu cất cánh rất tốt. Nhưng sau đó dù bị đám mây lớn hút lên cao, không thoát ra được, không thể điều khiển theo ý mình được nữa.

Một bên là vách núi, phía dưới vực sâu hun hút, chỉ cần gặp chỗ không khí loãng có thể sụp cánh dù, rơi xuống hoặc một cơn gió quẩn có thể hút vận động viên vào núi…

Rồi sơ sót cá nhân, điều khiển dù không khéo cũng có thể làm sụp cánh dù. Đã có tai nạn xảy ra khi một vận động viên dù lượn thao tác sai bị gió quật cả người và dù vào vách núi tử vong.

Một lần nữa chị Lan bình tĩnh điều khiển dù bay dọc vách núi “chạy trốn” đám mây suốt 13 cây số để hạ cánh an toàn. Trọng tài Thái Lan sau khi chúc mừng chị “thoát hiểm” đã chia sẻ những trường hợp tương tự chỉ có khoảng 20% may mắn.