Dân Việt

Việt Nam và ĐNA ở Olympic: Quanh quẩn ao làng

10/08/2012 07:22 GMT+7
(Dân Việt) - Mỗi kỳ SEA Games, các nước trong khu vực Đông Nam Á (ĐNÁ) lại nhộn nhịp, tất bật chuẩn bị so tài. Để rồi lại ngỡ ngàng khi thấy mình đang tụt dốc…

Đông Nam Á đi tìm 1 tấm HCV

Trong 3 kỳ Olympic gần đây nhất, thể thao ĐNÁ đều không quá khó khăn để giành những tấm HCV. Tại Sydney 2000, Indonesia chứng minh được vị thế ở môn cầu lông (HCV đôi nam, HCB đơn nam, HCB đôi nam nữ) và cử tạ (1 HCB, 2 HCĐ). Thái Lan cũng có 1 HCV môn boxing sở trường cộng với 2 HCĐ (boxing, cử tạ). Còn thể thao Việt Nam (TTVN) đứng thứ 3 trong khu vực ĐNÁ với 1 HCB của nữ võ sĩ taekwondo Trần Hiếu Ngân.

img
Võ sĩ taekwondo Lê Huỳnh Châu (phải) không thể tái lập lại kỳ tích của “đàn chị” Trần Hiếu Ngân.

Tới Athens 2004, ĐNÁ tiếp tục đón nhận những tin vui gắn với 3 HCV (1 boxing, 2 cử tạ), 1 HCB (cử tạ), 4 HCĐ (2 cử tạ, 1 boxing, 1 taekwondo) của Thái Lan, 1 HCV (cầu lông đơn nam), 1 HCB (cử tạ), 2 HCĐ (cầu lông đơn nam, đôi nam) của Indonesia.

Và gần nhất, tại Bắc Kinh 2008, Thái Lan giành 2 HCV (boxing, cử tạ), 2 HCB (taekwondo, boxing); Indonesia có 1 HCV (cầu lông đôi nam), 1 HCB (cầu lông đôi nam nữ), 3 HCĐ (2 cử tạ, 1 cầu lông đơn nữ).

Việt Nam với tấm HCB cử tạ hạng 56kg nam của lực sĩ Hoàng Anh Tuấn cùng xếp thứ 3 khu vực ĐNÁ với Malaysia (HCB cầu lông đơn nam của Lee Chong Wei) và Singapore (HCB bóng bàn đồng đội nữ).

Vậy mà tới Olympic 2012, thể thao ĐNÁ chưa thể có nổi 1 tấm HCV, trong khi quốc gia nhỏ bé nằm trên vùng biển Caribe như Grenada đã có HCV điền kinh 400m nam của tài năng trẻ 19 tuổi Kirani James.

Sự tiếc nuối lớn nhất của cả ĐNÁ xuất hiện ở nội dung cầu lông đơn nam khi Lee Chong Wei đã không thể đổi màu huy chương Olympic khi để thua ngược kỳ phùng địch thủ Lin Dan (Trung Quốc) trong trận chung kết. Phía trước, khi Olympic 2012 chỉ 2 ngày nữa sẽ khép lại, rất khó để thể thao ĐNÁ có nổi dù chỉ 1 HCV. Và thật trớ trêu khi thể thao ĐNÁ vui bao nhiêu sau mỗi kỳ SEA Games ngày càng “phình to” với hàng trăm bộ huy chương, thì lại buồn bấy nhiêu với “cơn khát vàng” Olympic.

Thể thao Việt Nam và “cú đúp buồn”

Thể thao khu vực đã buồn đến thế khi đặt trong bước tiến chung của thể thao thế giới, TTVN còn buồn hơn nữa khi tụt dốc ngay ở “vùng trũng”. Tại SEA Games, kể từ năm 2003 (chủ nhà Việt Nam nhất toàn đoàn với 158 HCV, bỏ xa đoàn xếp thứ 2 là Thái Lan với 90 HCV) tới nay, TTVN luôn vững vàng trong tốp 3 toàn đoàn. Nhưng ở Olympic mọi thứ lại khác xa.

Việc 18 VĐV đoạt vé chính thức dự Olympic 2012 là một con số “kỷ lục” của TTVN, nhưng nó vẫn kém hẳn Thái Lan (37 VĐV), Malaysia (29 VĐV), Singapore (23 VĐV), Indonesia (22 VĐV). Về thành tích, Indonesia đã có 1 HCB (Triyatno - cử tạ hạng 69kg nam), 1 HCĐ (Eko - cử tạ hạng 62kg nam); Thái Lan có 1 HCB (Sirikaew - cử tạ hạng 58kg nữ), 1 HCĐ (Sonkham - teakwondo hạng -49kg nữ); Malaysia (1 HCB cầu lông đơn nam), Singapore (2 HCĐ bóng bàn đơn nữ, đồng đội nữ). Còn Việt Nam có tới 99% sẽ trắng tay rời Olympic 2012 dù vẫn còn 2 VĐV chưa thi đấu: Chu Hoàng Diệu Linh (taekwondo hạng -67kg nữ), Nguyễn Thị Thanh Phúc (điền kinh đi bộ 20km nữ).

Việt Nam có tới 99% sẽ trắng tay rời Olympic 2012 dù vẫn còn 2 VĐV chưa thi đấu: Chu Hoàng Diệu Linh (taekwondo hạng -67kg nữ), Nguyễn Thị Thanh Phúc (điền kinh đi bộ 20km nữ).

Điều quan trọng nhất là trong khi Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia vẫn duy trì được những môn trọng điểm của mình ở Olympic, thì Việt Nam lại tỏ ra rất phập phù từ định hướng cho tới quá trình chuẩn bị, đầu tư kiểu ăn xổi, “hớt ngọn” (NTNN đã có bài phân tích).

Đã đến lúc TTVN cần nghiêm túc nhìn lại chiến lược phát triển sao cho bài bản, khoa học, có chiều sâu, thay vì tập trung ngắn hạn khoảng 1-2 năm để rồi sau mỗi kỳ ASIAD, Olympic lại phải ngậm trái đắng.

“Ngay sau Olympic 2012, TTVN phải rút ra những bài học kinh nghiệm, chọn những điểm sáng để đầu tư trọng điểm thì mới mong có cơ hội ở Olympic 2016”, ông Nguyễn Hồng Minh-nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao nhấn mạnh.