Bệnh viện Đông y hay các nhà bốc thuốc tư nhân bây giờ có lẽ đều thế cả. Những lương y như cụ Lang Minh ở Bệnh viện Hòe Nhai (Hà Nội) năm xưa bây giờ hầu như không còn.
Xét cho cùng, luật lệ và chính sách ở một xã hội cũng giống như kê đơn thuốc của thầy lang với người bệnh, để tạo ra một xã hội khỏe mạnh. Ban ra thì cần rồi. Nhưng cái cần hơn là phải kiểm tra khách quan để thấy có gì chưa ổn thì còn điều chỉnh kịp thời.
Thực tế hầu như chẳng có chính sách nào toàn mỹ, toàn cái đúng và đúng mãi. Chính sách ban ra ở đoạn này đúng nhưng đến lúc nào đó do sự phát triển nhận thức của xã hội thay đổi thì nó trở nên lạc hậu, không phù hợp nữa. Nếu bám lấy nó như một thứ bất di bất dịch thì đương nhiên nó lại thành vật cản đường phát triển.
Có một thời, về chính sách, chúng ta tuyên truyền đường lối chính sách bằng hai chữ “quán triệt” (!), đọc cái gì tin vào cái ấy, coi nó như tuyệt đối đúng. Sự điều chỉnh cũng có nhưng lề mề chậm chạp, có khi còn bị cố ý không thay đổi vì lợi ích của một nhóm nào đó có thế lực, chẳng cần nghe ý kiến của ai. Bây giờ có những chính sách đưa ra như thầy lang bốc thuốc liều, loạn đơn thuốc làm cho con bệnh xã hội nháo nhào như kiến bò trong chảo nóng, chẳng để ý nó tác động xấu như thế nào đến toàn xã hội.
Chính sách mà lạm ban hành sẽ dẫn đến loạn thu. Thầy lang bắt mạch một lần và cho dùng thuốc dài dài chỉ dẫn con bệnh đến cái chết nhanh, chết chắc!
Đỗ Đức