Đây là những kết quả trong một cuộc điều tra kéo dài suốt một năm vừa được tờ báo Washington Post (Mỹ) công bố vào hôm 20.6.
Các vụ tai nạn của UAV Mỹ đạt kỷ lục
Theo báo cáo của Washington Post, hơn 400 chiếc UAV quân sự Mỹ đã bị rơi trong các vụ tai nạn nghiêm trọng diễn ra trên khắp thế giới kể từ năm 2001 đến tháng 12.2013. Nó là một mức kỷ lục của các vụ tai nạn trên không đặt ra những mối hiểm họa tiềm năng mới cho lĩnh vực máy bay không người lái của Mỹ.
Số liệu thống kê trong các báo cáo điều tra tai nạn và nhiều hồ sơ khác nhau với tổng số trang dài hơn 50.000 được thu thập theo Đạo luật Tự do Thông tri của Mỹ cho thấy, kể từ khi chiến sự bùng nổ ở Afghanistan và Iraq, các máy bay UAV của Mỹ gặp trục trặc lao thẳng từ trên trời xuống đất do vô số nguyên do từ lỗi động cơ, lỗi của con người, thời tiết xấu đến nhiều lý do khác nữa.
Trong khi đó, đầu năm tới, Mỹ dự định sẽ triển khai một loạt các chuyên bay UAV dưới hình thức chuyến bay thương mại theo một đạo luật được Quốc hội nước này thông qua vào năm 2012. Đồng thời các chuyến bay UAV của các cơ quan thực thi pháp luật và quân đội Mỹ cũng dự kiến sẽ tăng dù nó đang có những hạn chế nhất định.
Máy bay UAV loại Predator của Mỹ. Ảnh: RT
Theo báo cáo về các vụ tai nạn cho thấy, các vụ tai nạn đều có chung nguyên nhân do không báo cáo trước về khoảng cách an toàn đối với các vùng bay có đông dân cư cũng như vùng có máy bay có người lái hoạt động. Vì thế nhiều vụ UAV đã đâm sầm vào nhà dân, trang trại, đường băng, đường cao tốc, đường thủy và còn có một trường hợp lao vào máy bay vận tải C-130 Hercules của không quân Mỹ ngay trên không trung.
Tuy các vụ tai nạn UAV đã không gây chết người nhưng đều đặt ra những tình huống nguy hiểm chỉ trong gang tấc. “Tôi sợ rằng tôi đã giết chết một ai đó”, Thiếu tá không quân Mỹ Richard Wageman nói với các nhà điều tra sau một vụ tai nạn UAV trong tháng 11.2008 khi ông mất quyền kiểm soát chiếc UAV Predator khiến nó lao vào một căn cứ Mỹ ở Afghanistan.
Đồng thời báo cáo cũng chỉ ra những sai lầm khi điều khiển UAV từ xa của các phi công đã gây ra rất nhiều tốn kém. Điển hình như vụ một chiếc Predator mang theo quả tên lửa Hellfire trị giá tới 3,8 triệu USD khi bắn phá gần Kandahar vào tháng 1.2010 nhưng phi công đã điều khiển UAV bắn tên lửa trong tình trạng chiếc UAV đang bay lộn ngược. Cuối năm đó, một chiếc Predator được vũ trang khác cũng bị rơi gần Kandahar do phi công ấn sai nút màu đỏ trên phím điều khiển.
Hầu hết các UAV bị hỏng hoặc bị phá hủy khi tham gia ở các vùng chiến sự, còn lại hàng chục chiếc UAV bị phá hủy khi Mỹ tiến hành các chuyến bay đào tạo và thử nghiệm. Chẳng hạn như trong tháng 8.2012, chiếc UAV trinh sát RQ-4 của Hải quân Mỹ đã lao vào vùng Eastern Shore Maryland và bốc cháy. Dù tin tưởng vào độ an toàn và muốn nhân rộng những chiếc UAV nhưng các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cũng thừa nhận độ an toàn của UAV sẽ không thể nào bằng máy bay phản lực.
Một trong những nguyên nhân dẫn tới UAV gặp tai nạn là do lỗi truyền thông từ hệ thống vệ tinh. Ảnh: Washington post
Nguyên nhân khiến UAV Mỹ thường xuyên gặp nạn
Qua phân tích hồ sơ các vụ tai nạn, báo cáo trên Washington Post đã chỉ ra các nhà sản xuất máy bay không người lái vẫn chưa thể nào khắc phục được một số rào cản an toàn cơ bản trong loại hình máy bay này.
Đầu tiên đó là hạn chế về khả năng phát hiện và tránh rắc rối của UAV. Camera và công nghệ cảm biến cao trên một chiếc UAV thực tế không thể nào thay thế hoàn toàn đôi mắt của phi công cũng như hệ thống định vị trong buồng lái của máy bay phản lực. Máy bay UAV điều khiển từ xa hầu hết không được trang bị radar hoặc các hệ thống chống va chạm để có thể ngăn ngừa thảm họa trên không.
Nguyên nhân thứ hai do các vụ tai nạn UAV có liên quan do lỗi của phi công điều khiển. Mặc dù biết được rằng, UAV phức tạp hơn nhiều so với một trò chơi video nhưng khi cấp giấy phép điều khiển UAV cho phi công, không quân đã không liên tục rèn luyện dẫn tới những lỗi điều khiển vẫn diễn ra phổ biến, nhất là trong quá trình hạ cánh.
Nguyên nhân thứ ba do một số mô hình UAV thường được thiết kế mà không có tính năng an toàn và thường được đưa tới chiến trường mà không trải qua những năm thử nghiệm nghiêm ngặt. không ít vụ tai nạn UAV do trục trặc bởi hệ thống điện, hoặc do thời tiết xấu. Thế nhưng các nhân viên quân sự lại đang “cố” đổ lỗi cho một số rủi ro mà không thể giải thích được. Các phi công lái 2 chiếc Predator bị rơi vào 2 năm liên tiếp 2008 và 2009 đã nói với các nhà điều tra rằng, máy bay của mình bị rơi do gặp phải những trục trặc “ma quỷ”.
Cuối cùng, một nguyên nhân cơ bản dẫn tới tai nạn UAV được báo cáo đề cập tới đó là lỗi hệ thống liên kết truyền thông. UAV phụ thuộc vào đường dây truyền thông để chuyển tiếp lệnh và thông tin định hướng thường thông qua vệ tinh. Nhưng những kết nối này có thể rất mong manh. Hồ sơ các vụ tai nạn cho thấy, các liên kết bị gián đoạn hoặc bị mất chiếm tỷ lệ hơn một phần tư trong tổng số các vụ tai nạn tồi tệ nhất.
Về loại máy bay UAV gặp tai nạn trong tổng số hơn 400 chiếc UAV ở trên thì MQ-1 Predator là loại thường xuyên gặp tai nạn nhất, chiếm gần một nửa số vụ tai nạn. Đây là loại máy bay vốn có trọng lượng nhẹ, thiết kế lại không tốn kém với chi phí dưới 4 triệu USD/chiếc. Song những tai nạn liên tiếp khiến Predator đang không được mong đợi đem lại những kết quả ở chiến trường Afghanistan và Iraq.
Được biết, quân đội Mỹ hiện nay sở hữu khoảng 10.000 UAV với nhiều chủng loại như Wasp, Raven, Predator, Hawk. Năm 2017, quân đội Mỹ có kế hoạch triển khai UAV tại ít nhất 110 căn cứ thuộc 39 tiểu bang cùng với các đảo Guam và Puertro Rico. Ngành công nghiệp UAV dự kiến còn mở rộng sang lĩnh vực dân sự, ước tính sẽ đem lại doanh thu khoảng 82 tỷ USd và tạo 100.000 việc làm mới vào năm 2025 ở Mỹ.