Dự lễ có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQVN Phạm Thế Duyệt cùng nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ, ban ngành T.Ư và địa phương cùng hàng chục nghìn người dân địa phương.
Tượng “Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên” cao 10,8m, bệ đá cao 4,5m; phía sau tượng là bức phù điêu bằng đá tự nhiên hình vòng cung với nhiều cánh sen có chiều dài 58m, cao 11m, thể hiện các hình ảnh sinh hoạt, văn hóa, lao động sản xuất, chiến đấu của các dân tộc Tây Nguyên.
Ngày 19.4.1946, Đại hội Các dân tộc thiểu số miền Nam diễn ra tại Pleiku, Bác Hồ đã gửi đến đại hội bức thư có đoạn viết: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau, dù sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”.
Phát biểu tại buổi lễ tối qua, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hà Sơn Nhin khẳng định: “Lời Bác Hồ trong thư gửi đồng bào các dân tộc thiểu số năm xưa luôn là nguồn động viên, khích lệ to lớn để Đảng bộ các tỉnh và nhân dân các dân tộc Tây Nguyên quyết tâm xây dựng đất nước và bảo vệ thành công những thành quả cách mạng mà các thế hệ cha anh đã phải đánh đổi cả máu xương mới giành được.
Công trình tượng đài “Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên” tại Gia Lai là một minh chứng hùng hồn, khẳng định tấm lòng son sắt, thủy chung của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đối với Đảng, Bác Hồ kính yêu; là món quà thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên”.
Quốc Dinh