PV đã có cuộc chuyện trò cùng nhiếp ảnh gia Nguyễn Hải Đông. Anh chia sẻ: “Tôi là một nhiếp ảnh gia độc lập, nhưng tôi quan tâm tới ảnh nghệ thuật Việt Nam. Công việc hiện nay là chụp ảnh thương mại như quảng cáo, decor, nội thất, nhân vật và hiện cộng tác với nhiều tạp chí. Và tôi không phải là Nghệ sỹ nhiếp ảnh (NSNA)”.
“Ngay cái tên gọi “Ảnh nghệ thuật” và NSNA ở VN xưa nay làm cho người ta chỉ nghĩ đến ảnh đi thi mới là ảnh nghệ thuật và người dự thi mới là nghệ sỹ. Tôi thì quan niệm chỉ có ảnh đẹp hay không thôi. Mà đẹp thì dù thể loại gì cũng là nghệ thuật cả”, nhiếp ảnh Hải Đông khẳng định.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Hải Đông
Vậy anh nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng với thời công nghệ số, kỹ thuật số, nghệ sĩ nhiếp ảnh cứ thế chụp và sau đó tự ép ý tưởng vào cho tác phẩm, và đó cũng là nguyên nhân xuất hiện bệnh “lười nghĩ” trong việc triển khai một tác phẩm?
- Tôi thấy thời công nghệ số ngày nay giúp cho người chụp ảnh có nhiều ảnh đẹp dễ dàng hơn xưa. Có thể làm cho người ta “lười” hơn nhưng chắc chắn là nó giúp ảnh đẹp hơn. Thật ra tôi thấy rằng nếu sử dụng hiệu quả (không phải lạm dụng) thì công nghệ giúp ta tích cực hơn rất nhiều.
Theo dõi những tác phẩm nhiếp ảnh gần đây, chất lượng ảnh, nhất là ảnh phong cảnh ngày càng đẹp lên nhiều. Đúng là số lượng ảnh đẹp nhiều nhưng những ảnh xuất sắc làm cho người xem nhớ mãi thì vẫn hiếm.
Ngày nay để sở hữu một bộ máy ảnh chụp đạt chất lượng không phải là chuyện quá khó. Nhà nhà người người thành “nhiếp ảnh gia”. Điều này càng gây khó khăn cho lực lượng NSNA trong việc tìm tòi và thể hiện đề tài.
Hiện có không ít các tác phẩm gửi dự thi cuộc thi này không được nhưng lại chuyển chính tác phẩm đó sang cuộc thi khác, và có khi được giải. Phải chăng trong đó hàm chứa cả sự “lười” vì nghệ thuật tư duy nhiếp ảnh là săn tìm, mà đây chỉ là có sao bê đi vậy?
- Đề tài trong nhiếp ảnh cũng là một nguyên nhân làm cho ảnh nghệ thuật kém phát triển. Hàng chục năm nay, các cuộc thi ảnh cũng chỉ loanh quanh những đề tài về: phong cảnh, đời thường, nghề truyền thống, lễ hội, người dân tộc.. Người trước gửi ảnh dự thi đoạt giải, người sau bắt chước chụp y chang vậy, thậm chí đặt tên cho bức ảnh cũng na ná nhau và chẳng có chút thông tin nào. Ảnh cầu khỉ phải có áo dài, đồi cát phải có phụ nữ gồng gánh qua lại...
Ban giám khảo cũng là một nguyên nhân dần dần làm cho ảnh giống nhau. Nhiều người kể rằng, có những NSNA chuyên theo dõi xem ai nằm trong ban giám khảo, biết cái "gu" ảnh của BGK như thế nào rồi họ mới gửi ảnh đi thi là chắc chắn có giải. Nên không thể tránh được việc ảnh đã dự thi và rớt ở cuộc thi này lại được gửi tham gia cuộc thi khác và có giải.
Ảnh: Hải Đông
Nhiếp ảnh cũng nhắc nhiều đến khoảnh khắc và cảm xúc. Vậy theo anh cái nào có giá trị hơn đối với một tác phẩm nghệ thuật nhiếp ảnh?
- Khoảnh khắc và cảm xúc, với tôi, là hai yếu tố chính trong bức ảnh. Có nhiều bức ảnh nghệ thuật rất đẹp, nhưng không ít người dè bỉu là ảnh này toàn setup (dàn dựng) để chụp. Cá nhân tôi ủng hộ việc setup trong sự hợp lý cho phép. Ví dụ có một hàng cây thật đẹp, xung quanh là đồng lúa chín vàng với lũ trẻ con hay chơi đùa ở đó trong một ráng chiều thật đẹp... Nếu anh chờ đủ ba yếu tố là trời đẹp, lúa chín và trẻ con chơi cùng lúc thì rất khó. Hay anh có thể dàn dựng bằng cách chờ đúng hôm trời cực đẹp, anh “lôi” trẻ con ra dàn dựng cho chúng chơi đùa rồi chụp chẳng hạn.
Ảnh: Hải Đông
Anh đánh giá thế nào về sáng tác ảnh trẻ hiện nay?
- Tôi thấy giới trẻ hiện nay, một số vẫn theo cách của nhiều NSNA với tư duy đề tài theo lối mòn như thế. Một số hiện được học hành bài bản về nhiếp ảnh hiện đại nên tư duy khác hơn. Một số nhanh nhạy bắt chước theo những trào lưu hiện tại trên thế giới. Tôi biết có một ít bạn trẻ đã và đang làm những đề tài dài hơi cả chục năm. Tôi mong chờ những bạn làm đề tài dài hơi và tư duy đề tài mới. Còn lượng bắt chước thì sớm hay muộn cũng thất bại vì mình chụp ảnh không từ suy nghĩ, không từ cảm xúc, tư duy, văn hóa, dòng máu... của chính mình.
Là người quan tâm tới nhiếp ảnh, theo anh thì xu hướng phát triển nghệ thuật nhiếp ảnh đang theo trào lưu nào?
- Hiện nay trào lưu ảnh thì nhiều. Xuất hiện, rộ lên rồi tắt ngúm trong vòng 30 ngày. Về xu hướng, tôi nghĩ có hai loại: thứ nhất là vẫn là ghi lại, giữ lại sự thay đổi nhanh chóng của mọi sự vật và cả con người, cái còn cái mất. Thứ hai là không còn quan niệm ảnh chụp nữa mà nó là hình ảnh nói chung (Picture), kết hợp ảnh, phim, tranh... và được chấp cánh bởi công nghệ ngày càng cao.
"Trái cấm" - tác phẩm của nhiếp ảnh gia Thái Phiên
Nhiều nghệ sĩ vì miếng cơm manh áo họ đã biến nghệ thuật ảnh thành nghệ thuật photoshop thô thiển, anh có ý kiến gì không?
- Cái gì lạm dụng cũng không hay, photoshop cũng vậy. Có nhiều người có cả kho tư liệu chụp trời mây các loại, thấy ảnh nào hợp là ghép vào đi dự thi. Nếu là ảnh thương mại, quảng cáo thì không sao, do yêu cầu khách hàng và sản phẩm như vậy. Nhưng lắp ghép để dự thi ảnh thì kì quá.
Là một đề tài vốn dĩ khá nhạy cảm - ảnh khỏa thân nghệ thuật. Theo anh, ảnh khỏa thân nghệ thuật có thực sự có đất sống ở VN?
- Về ảnh nude ở VN vẫn còn quá khó khăn dù đã cởi mở nhiều rồi. NSNA chụp ảnh nude đàng hoàng vẫn còn quá ít lại gặp nhiều cản trở về suy nghĩ, văn hóa. Người mẫu càng khó hơn vì khi chụp vẫn còn phải giấu mặt vì nhiều lý do nên vừa khỏa thân vừa diễn xuất trong áp lực là đang “lén lút” thì sao có thể đẹp được. Vài năm lại đây, đã có sách ảnh khỏa thân của anh Thái Phiên được xuất bản và bộ ảnh khỏa thân mới đây của anh được chấp nhận và tuyên dương thì đó là một sự đáng mừng cho ảnh khỏa thân. Cái khó của ảnh khỏa thân còn do tầm thưởng thức của người xem nữa. Theo tôi, ảnh khỏa thân cũng như thời trang, đó là chỉ dành cho số ít người có hiểu biết về nó thưởng thức. Người xem không hiểu thì dù xem thời trang hay ảnh khỏa thân cũng chỉ chăm chăm vào cơ thể một cách dung tục thôi.
Xin cảm ơn nhiếp ảnh gia Nguyễn Hải Đông đã có cuộc trò chuyện rất thú vị này!