Ngày mới của ông Thới bắt đầu từ 3 giờ sáng. Rời căn nhà trọ lụp xụp ở Q.9, ông chở vợ (bà Lê Thị Ánh, 61 tuổi) trên chiếc xe máy cà tàng lên các con đường ở trung tâm thành phố như Võ Văn Tần, Lý Tự Trọng… bắt đầu mưu sinh bằng cách trèo hái me bán. Mùa nào me nấy: Me non, me già, me dốt, me chín đều hái bán được. Hôm thì ông bà bày bán me trên góc đường Tôn Đức Thắng, bữa lại ngồi bán trên đường Hai Bà Trưng…
“Mỗi ngày thu nhập cũng được khoảng hơn trăm nghìn đồng, chỉ đủ kiếm cái ăn cho hai chợ chồng và trả tiền thuê nhà”, ông Thới thật thà chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Thới với nghề trèo hái me đã trở thành một gương mặt thân thuộc trên những con phố Sài thành hàng chục năm nay.
Ông thủ thỉ tiếp: Tôi quen bả và nên duyên vợ chồng nhờ trái me xanh đó, rồi chậm rãi kể: “Quê tôi ở Tây Ninh, những năm 70, khi bọn Pôn Pốt tràn qua biên giới, gia đình tôi ly tán mỗi người một nơi. Tôi lưu lạc đến Sài Gòn. Quãng thời gian ấy, tôi làm nghề hái me thuê cho vựa, nhà thầu và cũng bắt đầu gắn bó cuộc đời mình với những tàng me”.
Giọng ông vẫn đều đều: “Tôi tình cờ gặp bả (bà Lê Thị Ánh cũng là một người tha hương mưu sinh đất Sài Gòn từ những năm 70 với nghề bán hàng rong) trên đường Gia Long (nay là đường Lý Tự Trọng). Lần đó thấy tôi vừa tụt xuống từ cây me, bà Ánh mở miệng: “Cho tui xin một trái đi”. Thấy cô bán hàng rong khá xinh xắn, tôi liền trêu ghẹo: “Đổi trái bắp à”. Thế là bà Ánh đưa tôi luôn hai trái bắp kèm nụ cười rạng rỡ, thế là quen nhau.
Những ngày sau đó, khi đi ngang qua đường Gia Long, bà Ánh hay ngó tới ngó lui xem “thằng cha hái me” có ở đây không. Tôi cũng thế, sau lần đó từng giờ từng ngày mong ngóng cô bán hàng rong. Qua những lần chuyện trò, tình yêu nảy nở lúc nào không hay và chúng tôi quyết định góp gạo thổi chung. “Chúng tôi đã có 2 mặt con, cháu nội cháu ngoại đủ cả, dù nghèo nhưng cuộc sống gia đình cũng đầm ấm lắm”, ông Thới kể.
Khi chúng tôi hỏi về lý do tại sao đã lớn tuổi, không ở với con cái cháu chắt và vẫn đeo bám cái nghề nguy hiểm này, ông Thới cười buồn: “Mấy đứa con tôi tụi nó đều làm công nhân, lương ba cọc ba đồng lại phải lo cho con cái ăn học nên chẳng giàu có gì. Tôi còn leo trèo, mua bán được thì tự lo cái ăn, không muốn làm phiền đến con cái”. Rồi ông hóm hỉnh: “Già rồi nhưng tôi vẫn thích leo trèo, với lại cũng nhờ leo trèo mà tôi mới có vợ đó chứ…”.
Những hôm trời mưa suốt đêm, thân cây ướt trơn trượt, ông Thới vẫn phải cố trèo me để có cái mà bán kiếm tiền. Nhiều lần tay chân ông không bám được, té rơi xuống đất đau ê ẩm, thương tích đầy mình nhưng ông vẫn theo nghề. Con cái thấy xót xa nên dù khó khăn vẫn một mực “ép” ba mẹ về ở chung, cơm cháo có nhau nhưng vợ chồng ông không chịu. Nhìn bộ đồ nghề để mưu sinh của đôi vợ chồng già mà cảm thấy xót xa. Hơn 30 năm nay, ông Thới leo cây mà không có nài, cũng chẳng có bất cứ dụng cụ bảo hộ nào. Bộ đồ nghề của ông chỉ có một cây móc tầm hơn một mét, một cái bao nhỏ đựng me cột sợi dây để hái xong thòng xuống đất để vợ tiếp lấy.