Nhộn nhịp từ rừng đến phố
Đến các tiểu khu 315A, 316 thuộc xã Ea Tam (huyện Krông Năng) do Ban quản lý Dự án Rừng phòng hộ đầu nguồn (BQLRPH) Krông Năng quản lý, chúng tôi thấy nhiều khu vực không có đường mòn, nhưng cây dổi vẫn bị triệt hạ nằm ngổn ngang trên sườn, dưới vực.
"Người ta không lấy gỗ về nên không cần đường, cây mọc chỗ nào cũng chặt ráo, chỉ lấy hạt thôi mà" - anh Nông Văn Cường ở xã Cư K'lông, người tình nguyện dẫn đường cho chúng tôi - nói.
Theo quan sát của chúng tôi, gỗ dổi trong rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng không mọc thành bãi, nhưng chỉ cần lấy hạt nên những người phá rừng cơ động trên phạm vi rất lớn, do vậy tác hại còn lớn hơn nạn phá rừng lấy gỗ.
Từ Vườn quốc gia Chư Yang Sin về thị trấn Krông K'Mar (trung tâm huyện Krông Bông), chúng tôi gặp thêm nhiều người dân, mới biết chuyện khai thác, mua bán hạt dổi nhộn nhịp suốt từ cuối mùa hè đến nay. Anh Nguyễn Văn Phong cho biết: "Trong tháng 9 tôi có 2 lần vào Chư Yang Sin lấy hạt dổi, trong ấy người ta chặt tùm lum, có chỗ phát quang như phá rừng làm rẫy".
Phải ngăn chặn trước khi quá muộn
Làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Tùng - Giám đốc BQLRPH Krông Năng - xác nhận rừng dổi tại tiểu khu 315A và 316 bị chặt phá để lấy hạt khá nhiều. Cơ quan chức năng thống kê có 46 cây, đường kính mỗi cây từ 25 - 70cm bị chặt hạ, tổng số gỗ thiệt hại khoảng 52,6m3 còn để trong rừng.
"Sau khi chặt cây, người dân chỉ mang vài ký hạt cơ động lẻn ra khỏi rừng, không cần đường mòn nên rất khó bắt quả tang" - ông Tùng nói. Cũng do vậy mà từ đầu mùa dổi đến nay, BQLRPH Krông Năng chỉ bắt được 1 trường hợp vận chuyển 5,5kg hạt dổi bằng xe máy, chuyển cho Hạt Kiểm lâm huyện Krông Năng xử lý hành chính.
Còn theo ông Nguyễn Kỳ - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Năng, sau khi các lực lượng chức năng tăng cường ngăn chặn, nạn phá rừng phòng hộ đầu nguồn đã giảm. Riêng 46 cây dổi bị chặt tại 2 tiểu khu trên, Cơ quan CSĐT Công an huyện đang tiến hành điều tra, làm rõ.
Trong khi đó, tại huyện Krông Bông, ông Tống Ngọc Chung - Giám đốc Vườn quốc gia Chư Yang Sin cho rằng, khu vực gỗ dổi bị chặt phá có thể đã giao khoán cho dân xã Hòa Lễ nên vườn không quản lý.
Ngược lại, ông Nguyễn Minh Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Lễ bảo khu vực phóng viên tiếp cận là tiểu khu 1159 và 1174 thuộc Vườn quốc gia Chư Yang Sin, còn rừng dổi do xã quản lý thuộc tiểu khu 1158 thì không bị phá.
"Trước đây vườn có văn bản đề nghị xã phối hợp kiểm tra việc chặt gỗ dổi lấy hạt, nhưng trạm 1 và trạm 2 của vườn báo là không có nên thôi” - ông Sơn nói.
Tuy nhiên, với những gì phóng viên tận mục sở thị, thực trạng đáng lo ngại tại rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng, cơ quan chức năng tỉnh Đăk Lăk cần khẩn trương xác định rừng dổi bị chặt phá ở huyện Krông Bông do đơn vị nào quản lý để có biện pháp ngăn chặn.