ĐBQH Bùi Thị An (Hà Nội): Phải làm đến nơi đến chốn
Vấn đề cát tặc không chỉ xảy ra ở địa bàn Hà Nội mà hoành hành ở nhiều nơi trên địa bàn cả nước. Cát tặc gây hại rất nhiều như sạt lở bờ sông, biến đổi dòng chảy... Riêng vụ cát tặc ở huyện Phúc Thọ, nói như lãnh đạo huyện khi họp báo Thành ủy Hà Nội (ngày 18.11) thì họ cũng đã thực hiện một phần trách nhiệm. Nhưng tôi nghĩ đáng ra huyện Phúc Thọ hay TP.Hà Nội phải phối hợp với tỉnh Vĩnh Phúc để làm triệt để, thực hiện đến nơi đến chốn.
Đúng là trong thực tế khi các cơ quan chức năng truy quét cát tặc thì có chuyện những đối tượng khai thác cát trái phép lợi dụng địa bàn giáp ranh để chạy từ bên này sang bên kia, nhưng chính quyền địa phương phối hợp tốt sẽ triệt phá được.
Lực lượng Công an TP.Hà Nội đã có những cố gắng, những sáng kiến như tổ chức lực lượng 141 để truy quét tội phạm đường phố, chống người thi hành công vụ, lực lượng 142 truy quét tội phạm móc túi ở bến xe, bến tàu... được dư luận xã hội đánh giá cao, nhưng để xử lý vấn nạn cát tặc thì cần phải cố gắng và phải có sự phối hợp.
Những đối tượng khai thác cát trái phép thường rất nhiều mưu mô để đối phó, nhưng với trách nhiệm của mình thì chính quyền và lực lượng công an có sự phối hợp sẽ triệt phá được. Để xảy ra vấn đề cát tặc như vừa rồi chính quyền nơi đó có sự lơ là, đã làm nhưng chưa thật hết trách nhiệm của mình.
ĐBQH Đinh Xuân Thảo (Hà Nội): Thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng
Sáng 9.12, khi chúng tôi đi tiếp xúc cử tri ở huyện Đan Phượng (Hà Nội) - một huyện gần với Phúc Thọ - cử tri cũng có nêu vấn đề cát tặc.
Để vấn nạn trên diễn ra như vậy đúng là thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng để xử lý. Nạn khai thác cát diễn ra đã khá lâu, nhưng nếu nhìn bao quát thì trong đó có những tổ chức, công ty khai thác cát được cấp phép. Bên cạnh đó có những đối tượng khai thác cát trái phép đã lợi dụng trà trộn vào, ví dụ có 15 doanh nghiệp khai thác thì chỉ có 5 doanh nghiệp được cấp phép, số không được cấp phép nhiều hơn nhưng họ cứ trà trộn vào.
Ngoài ra, giữa khâu quản lý và xử lý vi phạm thời gian qua làm chưa làm tốt. Cát là một loại tài nguyên thuộc sở hữu chung thì nhà nước nghiên cứu nếu có thể khai thác được thì cấp phép. Việc này đảm bảo công tác quản lý như tránh việc khai thác làm sạt lở, thay đổi dòng chảy, nhà nước còn thu thuế. Làm như thế mới ngăn chặn được đối tượng khai thác cát trái phép, ăn cắp tài nguyên quốc gia.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Xử lý ngay các cán bộ yếu kém
Tôi thực sự ngạc nhiên vì cát tặc ở Phúc Thọ lộng hành lâu như vậy mà không bị triệt phá? Báo chí đã nói rất nhiều nhưng địa phương vẫn không xử lý được. Vấn đề chính là nằm ở chỗ quản lý của các cấp chính quyền!
Cho nên dư luận cho rằng chính quyền ở đây tỏ ra bất lực cũng là có cơ sở? Theo như tôi biết, cát tặc khai thác ở Phúc Thọ rất đông, lộng hành như chỗ không người. Vậy mà không ai xử lý chúng. Chứng tỏ địa phương chưa có quyết tâm thực sự và dẫn tới mất niềm tin của nhân dân.
Riêng việc chính quyền địa phương ở đây có tiếp tay cho cát tặc hay không cũng phải cần xem xét lại. Đây mới chỉ là chuyện cát tặc mà đã không giải quyết được thì nay mai nếu có giặc đến thì chính quyền sẽ xử lý ra sao? Theo tôi, cần phải tăng cường trách nhiệm của địa phương cao hơn nữa và kỷ luật những cán bộ thiếu trách nhiệm đã không giải quyết được nhiệm vụ của địa phương.