Ông Phạm Văn Đặn- Chủ tịch UBND xã Tú Sơn cho biết, toàn xã hiện chỉ có 440ha đất canh tác, trong đó diện tích cấy lúa hơn 200ha. Tuy nhiên, có đến 113ha (chiếm hơn 50% diện tích cấy lúa) đã bị bỏ hoang từ nhiều vụ nay. Sở dĩ có tình trạng này, theo ông Đặn, là do nông dân thấy đầu tư cho nông nghiệp, đặc biệt là cây lúa, không hiệu quả.
Bằng chứng có vụ, năng suất thu hoạch không đạt 100kg thóc/sào (do bị sâu bọ, chuột phá hoại). Đặc biệt, lực lượng lao động trong nông nghiệp tại xã hiện rất thiếu và yếu, do con em nông dân bỏ ruộng, vào làm công nhân trong các khu, cụm công nghiệp gần nhà.
Theo ông Đặn, toàn xã hiện có hơn 5.000 lao động, thì quá nửa số này đã rời bỏ ruộng đồng. Lao động nông nghiệp giờ chỉ còn lại người già, không đủ sức gánh vác công việc đồng áng. Đã vậy, đồng ruộng lại trũng, nước thải trong các khu dân cư, cơ sở sản xuất vô tư tống ra, dồn ứ cả vào đây. Trong khi, hệ thống thuỷ lợi có, nhưng không đồng bộ nên không có tác dụng tiêu thoát nước, phục vụ sản xuất…
Cũng theo ông Hiếu, những diện tích canh tác bị bỏ hoang ở xã Tú Sơn tập trung chủ yếu tại 2 cánh đồng, thuộc các thôn 6,7, 8 và 9. Trước đây, các cánh đồng ở những thôn này là những “bờ xôi, ruộng mật”. Nay, hầu hết bỏ ruộng hoang.
Cho đến thời điểm này, chính quyền địa phương vẫn chưa tìm được giải pháp nào khả thi để khắc phục tình trạng ruồng đất manh mún, để hoang. Do đó, theo ông Hiếu, để khắc phục, vấn đề tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện dồn đổi ruộng đất để sản xuất hiệu quả, cần phải được địa phương đặt lên hàng đầu lúc này. Đối với những diện tích đã quy hoạch cấy lúa trước đây, nay vì nhiều lý do, dẫn đến việc sản xuất không hiệu quả, nên chăng chuyển đối sang nuôi trồng thuỷ sản hoặc trồng màu…