Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam vừa giới thiệu đến công chúng một loại hình nghệ thuật đặc sắc với bộ sưu tập tranh kính do gia đình ông O’ong Maryono và bà Rosalia Sciortino hiến tặng.
Nghệ thuật tranh kính bắt nguồn từ châu Âu, du nhập vào Indonesia đầu thế kỷ 20 cùng với người Hà Lan và phát triển cực thịnh tại đây trong những năm 1930. Để tạo nên một tác phẩm trên kính, người ta vẽ ngược với quy trình thông thường; nét vẽ đầu tiên chính là nét cuối cùng của tranh trên giấy hay vải.
Nhiều người rất thích thú khi được tận mắt xem những bức tranh kính cổ xưa của Indonesia. |
Tranh kính Indonesia lấy cảm hứng từ nhiều chủ đề: cuộc sống hàng ngày, nghệ thuật dân gian, nghi lễ và lễ hội, Hồi giáo và lịch sử Indonesia...
Ông O’ong Maryono và bà Rosalia Sciortino sưu tầm những bức tranh kính đầu tiên năm 1986 tại Yogyakarta và năm 1989 tại Magelang, Trung Java. Phần lớn các bức tranh kính trong bộ sưu tập của gia đình được ông bà sưu tầm từ 1993 đến 2001 khi họ ở Indonesia, có dịp tới thăm nhiều làng mạc và tìm thấy nhiều bức tranh kính cổ. Năm 2006, gia đình ông O’ong Maryono và bà Rosalia Sciortino đã tặng Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam 68 bức tranh kính.
Một cảnh trong Yamayana (Nàng Sita được cứu và Ravana thất trận). |
Bà Rosalia Sciortino cho biết: "Tranh kính Indonesia lấy cảm hứng từ nhiều chủ đề trong cuộc sống hằng ngày, nghệ thuật dân gian, nghi lễ và lễ hội, Hồi giáo và lịch sử Indonesia, 2 sử thi Mahabharata, Ramayana và huyền thoại, với hình thức nhân vật gần với sân khấu rối và những anh hề. Có rất nhiều phong cách vẽ tranh kính khác nhau, tùy thuộc vào các vùng địa lý của Indonesia.
Ở Indonesia, một số cơ quan, đơn vị sở hữu một vài bức tranh kính nhưng chưa có trưng bày cụ thể. Tranh kính ngày càng ít đi, nghệ nhân vẽ tranh kính cũng ít hơn nên hiện nay một phần bộ sưu tập được trưng bày ở nước ngoài sẽ giúp công chúng hiểu hơn về loại hình nghệ thuật này.
Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam Võ Quang Trọng nhấn mạnh: "Trưng bày tranh kính Indonesia tiếp nối trưng bày về văn hóa các dân tộc ở Đông Nam Á nhằm mang đến cho công chúng hiểu biết đa dạng về những người bạn láng giềng trong khu vực, là đóng góp tích cực của Bảo tàng vào quá trình xây dựng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN vào năm 2015. Việc tổ chức trưng bày tranh kính Indonesia tại Bảo tàng cũng thể hiện sự tôn vinh đối với những người hiến tặng các bộ sưu tập hiện vật".
Binh lính của vương triều Solo |
Đừng quên: Bức tranh hàm ý phê phán xã hội, nhắc nhở rằng giàu sang, niềm vui thích và cảm xúc không tồn tại ở thế giới bên kia |
Đôi lứa bất diệt, vứt bỏ đa thê |
Đám cưới ở Yogyakarta |
Phụ nữ Madura giặt bên giếng |
Chim và thư họa |