Pháp luật Việt Nam bảo hộ cả phần nhạc nền
Về khái niệm tác phẩm âm nhạc, ông Chiến cho biết dư luận có rất nhiều ý kiến khác nhau, trong đó có cả ý kiến của các luật sư cho rằng tác phẩm âm nhạc chỉ là tờ giấy ghi nốt.
Tuy nhiên ông Chiến khẳng định: Quy định về tác phẩm âm nhạc tại điều 12 của Nghị định 100/2006 hướng dẫn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ (Tác phẩm âm nhạc được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác có hoặc không có lời, không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn- PV) hoàn toàn không phù hợp với thông lệ quốc tế và cũng không phù hợp với chính Luật SHTT của Việt Nam.
Trong Luật SHTT quy định rất rõ: Tác phẩm là bất cứ cái gì người ta sáng tạo ra và được thể hiện dưới bất kỳ hình thức nào, bằng bất kỳ phương tiện nào. Bây giờ người ta sáng tác nhạc bằng công nghệ số, vậy làm sao có thể chỉ xem xét tác phẩm trên hai bản giấy được?
Một nhạc sĩ không may đánh mất bản ghi nốt trên giấy mà anh ta sáng tác ban đầu, nhưng nếu tác phẩm đó đã được ghi âm thì bản ghi âm đó chính là một định dạng vật chất cho tác phẩm và sẽ là căn cứ để bảo vệ quyền tác giả. Luật quốc tế cũng như luật VN đều quy định phần nhạc đệm nằm ngoài giai điệu (còn gọi là beat) chính là một phần của tác phẩm âm nhạc vànó được bảo hộ quyền tác giả.
Công ước Bern- công ước quốc tế về bảo vệ quyền tác giả cũng quy định như vậy. Một giai điệu có thể có cả chục, cả trăm phần nhạc đệm khác nhau, và các tác giả của phần nhạc đệm đó đều được pháp luật bảo hộ quyền tác giả. Ông Chiến kết luận: Không thể nói là pháp luật VN không bảo hộ phần nhạc nền. Pháp luật VN có bảo hộ, rất rõ ràng.
Khi một tác giả nào đó sáng tác giai điệu và lời trên phần nhạc nền của người khác thì bắt buộc phải xin phép. Sử dụng mà không xin phép tức là đã xâm phạm quyền tài sản của tác giả nhạc nền. Hơn nữa, hành vi này còn vi phạm cả quyền nhân thân của tác giả đó khi sử dụng mà không đề tên tác giả.
Các dấu hiệu để nhận biết sự sao chép
Có 3 dấu hiệu để nhận biết việc xâm phạm bản quyền của tác phẩm này đối với tác phẩm khác. Dấu hiệu quan trọng nhất tất nhiên là dựa vào sự giống nhau giữa hai tác phẩm. Nếu đã kết luận hai tác phẩm giống nhau đến một mức độ nào đó, thì cần tiếp tục xem xét về thời gian ra đời của hai tác phẩm và xem xét tác giả của bản nhạc bị nghi ngờ sao chép có khả năng tiếp cận với tác phẩm gốc trước khi cho ra đời tác phẩm của mình hay không.
Ở góc độ pháp luật thì chuyện tác phẩm gốc và tác phẩm bị cho là sao chép khác nhau những gì không quan trọng. Cái quan trọng là phần giống nhau, là tác phẩm này lấy ở tác phẩm kia cái gì, lấy bao nhiêu? Xin lấy ví dụ thế này: Tôi lấy bài thơ ngắn của ai đó để đưa vào một cuốn sách mấy trăm, thậm chímấy nghìn trang của tôi. Vậy thì phần khác nhau sẽ quá nhiều, lên tới mấy trăm, mấy nghìn trang. Nhưng điều đó không thể thay đổi được sự thật là tôi đã lấy bài thơ ngắn của người khác và hành vi của tôi vẫn là hành vi xâm phạm bản quyền.
Một số ý kiến cho rằng nếu chủ sở hữu quyền tác giả không tố cáo thì không có căn cứ để xử lý người có hành vi vi phạm bản quyền là không đúng. Việc chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm gốc ở nước ngoài bảo không coi hành vi “lấy” đó là vi phạm quyền tác giả không quan trọng, chúng ta ở VN và chúng ta phải tuân thủ pháp luật VN.
Trong Luật Sở hữu trí tuệ quy định: Bất kỳ cá nhân, tổ chức nào phát hiện ra hành vi vi phạm bản quyền đều có quyền kiện. Vì vậy không thể nói là chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan không kiện thì người khác không có quyền để kiện. Trong Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng quy định: Mọi hành vi vi phạm đều phải được ngăn chặn và xử lý. Vìthếnếu thấy có vi phạm thì chúng ta phải xử lí, ngăn chặn.