Dân Việt

Những lớp học cần được “tiếp sức”

Ngọc Vũ 11/12/2014 10:09 GMT+7
Nhiều năm nay, các học sinh, giáo viên ở 2 huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông (Quảng Trị) vẫn phải học tập, sinh hoạt trong những căn lều mượn hoặc làm tạm bợ từ tranh, tre, lá, nứa…

Thiếu trường lớp kiên cố

Gửi xe máy, chúng tôi theo cô Lê Thị Hiến – Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Húc (Hướng Hóa) leo bộ lên bản Ho Le, nơi có điểm trường mẫu giáo nằm trên đỉnh của các ngọn núi. Con đường dốc nối dốc, mỗi bước chân là một lần đầu gối chạm mặt, mồ hôi rịn ướt áo, phải mất gần 2 giờ đồng hồ chúng tôi mới đến được điểm trường Ho Le. Khó khăn như thế nhưng vẫn là may mắn, vì theo cô Hiến, vào mùa mưa thì không thể đi được. Để có nơi sinh hoạt và học tập, trường đã phải mượn tạm ngôi nhà sàn nhỏ xập xệ của một người dân. Điểm trường 10m2 này đã gắn bó 20 cô trò thôn Ho Le suốt 2 năm nay.

img
Cô trò Trường Mầm non Cù Doong (Hướng Hóa) bao năm nay phải sinh hoạt, học tập trong lớp học tạm bợ làm bằng tranh tre lá nứa. N.V
Còn đường đến điểm Trường Mầm non thôn Cù Doong (xã Húc) đỡ vất vả hơn nhưng các cô giáo cũng phải vượt qua hai con suối lớn. Lớp chỉ rộng 20m2 nhưng có gần 30 trẻ từ 3 - 4 tuổi chen chúc nhau. Mái trường lợp bằng tranh, vách che bằng nứa, sàn lát bằng tre. Mùa nắng thì ánh sáng chói chang vào lớp, không khí ngột ngạt, còn mùa rét gió lùa lạnh thấu xương.

 

Cô Lê Thị Hiến cho biết, toàn xã có 9 điểm trường thì có đến 4 điểm là Húc Thượng, Cù Doong, Húc Ván, Ho Le phải mượn nhà dân hoặc xây dựng bằng tranh tre. Không những thế, thiết bị dạy học, đồ chơi, trang trí lớp… hầu như không được đầu tư. Các giáo viên ở đây phải tự bỏ tiền túi ra để mua sắm hoặc tự tạo dụng cụ học tập, đồ chơi cho các em. Ở những điểm trường vùng cao này, hàng chục năm nay không hề có điện cũng như nước sạch.

Mọi thứ đều tạm bợ

Anh Hồ Văn Phèng – Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên xã Đakrông cho biết thêm, xã còn có điểm trường Cu Phuông thuộc Trường Mầm non Đakrông 2, cũng trong tình trạng tạm bợ, không có điện, nước. “Điểm trường này có 50 học sinh học trong phòng nhỏ 25m2. Ở đây, cái gì cũng tạm. Thương cô giáo và lũ trẻ lắm nhưng chẳng biết làm gì hơn” - anh Phèng bộc bạch.

Được biết, đa phần học sinh của các trường vùng khó đều là người Vân Kiều, Pa Kô, thuộc diện hộ nghèo, bố mẹ suốt ngày lên nương rẫy nên ít quan tâm đến con cái. Đến trường, điều kiện sinh hoạt và học tập cũng không khá hơn, nên một số phụ huynh có suy nghĩ tiêu cực “thà cho con ở nhà còn hơn”.

Để đảm bảo sĩ số, giáo viên nơi đây phải thường xuyên kết hợp với chính quyền địa phương đến tận nhà vận động phụ huynh cho trẻ đến trường và cho học theo kiểu bán trú. Thương các em không có quần áo mặc, các cô phải đi xin quần áo cũ, thậm chí bỏ tiền túi để mua quần áo mới cho các em. “Cô trò chúng tôi rất mong nhận được sự tiếp sức của các cơ quan, ban, ngành và các nhà hảo tâm” - cô Lê Thị Hiến bày tỏ mong mỏi.

Theo Sở GDĐT Quảng Trị, toàn tỉnh chỉ có 30% lớp học mầm non được xây dựng kiên cố, còn lại đa phần là bán kiên cố, tạm bợ, trong đó cấp mầm non có 39 lớp học tạm (riêng Hướng Hóa và Đakrông có 30 lớp) và 36 lớp học phải mượn nhà dân hoặc các trụ sở cộng đồng   (Hướng Hóa có 24 lớp).