Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân việt, vì sao luật lại cho phép Công an TP Hà Nội và TPHCM 3 Phó Giám đốc công an mang hàm thiếu tướng, trong khi quy định Giám đốc công an các tỉnh thành trực thuộc trung ương chỉ mang hàm đại tá, Thượng tướng Đặng Văn Hiếu cho hay: Trong quá trình thảo luận Luật Công an nhân dân có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này. Các ý kiến khác nhau cả khi dự thảo luật trình Bộ Chính trị, trình Ủy ban thường vụ Quốc hội.
"Chính phủ đã có ý kiến với một số tỉnh, thành phố lớn, đông quân số, Giám đốc Công an cũng được trần quân hàm cấp Thiếu tướng nhưng Quốc hội đã không đồng tình. Luật đã quy định là Giám đốc Công an TP. Hà Nội, TP. HCM cấp hàm là Trung tướng; Phó Giám đốc Công an hai thành phố này được 3 người là Thiếu tướng. Còn lại các Giám đốc của Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác là Đại tá. Luật đã được Quốc hội thông qua và quy định rõ như vậy thì cứ thế chấp hành nghiêm túc" - Thượng tướng Đặng Văn Hiếu bày tỏ.
Trước câu hỏi bổ sung, hiện nay nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nhiều Giám đốc Công an đều mang hàm Thiếu tướng, khi Luật Công an nhân dân có hiệu lực thi hành phải có sự điều chỉnh gì cho phù hợp, Thượng tướng Đặng Văn Hiếu cho biết: Toàn bộ Luật Công an nhân dân có hiệu lực từ ngày 1.7.2015, nhưng riêng vấn đề phong hàm cấp tướng có hiệu lực từ hôm nay khi Lệnh công bố Luật được đọc.
"Trong quá trình đó chúng tôi có thể điều động, luôn chuyển, nhất là dịp chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp, phải bố trí lại Giám đốc Công an các địa phương tham gia vào cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương khóa tới. Phải đảm bảo nguyên tắc người nào đã phong hàm tướng rồi thì vẫn giữ nguyên quân hàm, bởi trước chúng ta phong cũng căn cứ vào Luật, căn cứ vào các quy định để phong nên không thể tước cấp hàm đã phong đó được. Phải đảm bảo cấp hàm cho các đồng chí đến khi nghỉ chế độ. Còn những đồng chí nào vẫn xứng đáng làm Giám đốc công an các địa phương thì tiếp tục bố trí"- Thượng tướng Đặng Văn Hiếu nêu rõ.