Trước đó, như báo NTNN đã thông tin, bức xúc trước tình trạng cát tặc lộng hành, lãnh đạo một số xã đã có đơn thư phản ánh lên cấp trên nhưng không được giải quyết. Thậm chí, có những trường hợp trớ trêu như ông Nguyễn Văn Mạnh - Bí thư Đảng ủy xã Xuân Phú – đã phải chịu tiếng xấu với họ hàng, làng xóm là “ngậm miệng ăn tiền” của cát tặc.
Ông Mạnh kể lại nỗi khổ của một vị bí thư ở cơ sở như ông: “Tôi đã báo cáo, kiến nghị cả bằng miệng và bằng văn bản lên huyện nhiều lần nhưng cũng không giải quyết được. Vì việc này mà tôi bị người dân nói nhiều lắm. Họ cho rằng tôi có móc nối với cát tặc. Đến ngay cả em ruột tôi cũng sang nhà mà căng thẳng với tôi về việc này”.
Trước đó, ông Ngọ Duy Hiểu - Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ trả lời báo giới sau khi Bộ Công an điều quân về triệt phá nhóm cát tặc, giải thích: Việc cát tặc lộng hành trên sông Hồng thuộc địa phận của huyện là vấn đề nhức nhối, không chỉ của người dân mà cả lãnh đạo huyện, khiến "ăn không ngon, ngủ không yên".
Ông Hiểu nêu ra lý do: “Thời gian qua, huyện đã có kế hoạch truy quét cát tặc, tuy nhiên do lực lượng quá mỏng, không đủ phương tiện nên chỉ dừng lại ở việc xử phạt. Ngoài ra, do giáp ranh với huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) nên khi tổ chức lực lượng vây bắt, kẻ trộm cát lại chạy sang bên kia sông nên không thể xử lý”.
Ông Ngọ Duy Hiểu cũng nhấn mạnh thêm: “Nhóm cát tặc rất hung hãn. Đã có trường hợp cảnh sát đường thuỷ bị chúng đẩy xuống sông và đe dọa sử dụng vũ khí nóng vì vậy chúng tôi rất thận trọng, không thể đánh đổi mạng người để lấy cát mà cần thời cơ chín muồi, báo cáo thành phố, Bộ Công an để có chỉ đạo".
Trước những ý kiến trả lời như vậy, nhiều đảng viên lão thành cho rằng, lỗi một phần ở đây do chính sự thiếu quyết liệt trong chỉ đạo của Huyện ủy Phúc Thọ.
Đảng viên Trần Đăng Tuynh (thị trấn Hưng Hà, Thái Bình) nhận định: “Việc cát tặc ở Phúc Thọ ngang nhiên khai thác cát trái phép, đe dọa hành hung cán bộ và nhân dân không chỉ thể hiện sự bất lực của chính quyền mà còn thể hiện sự yếu kém của cấp ủy Đảng, nhất là Đảng bộ huyện. Tháng nào Thường vụ Huyện ủy cũng họp, rồi sinh hoạt chi bộ. Thử hỏi trong các cuộc họp ấy, các đồng chí đảng viên có nêu ra vấn đề bức xúc này để cùng bàn bạc, tìm giải pháp tháo gỡ, hoặc đưa ra đường lối chủ trương để giúp chính quyền xử lý rốt ráo hay không?”.
Còn đảng viên Đặng Đức Năng (Quảng Yên, Quảng Ninh) đánh giá: Với vai trò là cơ quan lãnh đạo, vạch ra đường hướng, đáng lẽ Huyện ủy Phúc Thọ phải quyết liệt chỉ đạo chính quyền rốt ráo giải quyết vấn nạn cát tặc, cũng như lắng nghe tiếng nói của đảng viên từ cơ sở, nhưng ở đây, dường như như tiếng nói từ các cơ sở Đảng địa phương đã không tới được Huyện ủy Phúc Thọ. Trong vụ việc này, Huyện ủy Phúc Thọ không thể không có trách nhiệm liên quan.
Đảng viên Nguyễn Ngọc Minh (Hải Hậu, Nam Định) bày tỏ: Đã nhiều năm làm công tác Đảng, ông hiểu vai trò của người đứng đầu là hết sức quan trọng. Để cát tặc gây ra bức xúc, bất an trong nhân dân, theo ông, trách nhiệm trước tiên thuộc về Huyện ủy, rồi tới UBND huyện Phúc Thọ.
“Nếu những đảng viên ở Phúc Thọ kiên quyết đấu tranh từ đầu, nêu cao tính chiến đấu, gương mẫu đi đầu của mỗi đảng viên từ chi bộ đến Đảng bộ thì tôi nghĩ không có chuyện ngược đời là người dân phải sợ hãi trước cát tặc như ở Phúc Thọ. Không thể có chuyện người ngay lại sợ kẻ gian, chính quyền có đầy đủ bộ máy, lực lượng trong tay lại sợ những kẻ vi phạm pháp luật, như lời ông Bí thư huyện ủy nói”-ông Nguyễn Ngọc Minh phân tích.