Anh Thơ là giọng ca nữ đã làm nên tên tuổi cho những cặp song ca nổi tiếng như “Anh Thơ- Trọng Tấn”, “Anh Thơ- Việt Hoàn”, tại sao các nam ca sĩ cùng song ca với chị đã lần lượt có liveshow riêng mà chị lại muộn màng như vậy?
- Tôi nghĩ làm việc gì trên đời cũng cần chữ “duyên”, khi mọi thứ đã đến độ, đã chín muồi như một trái cây phải chưng cất đủ ánh sáng, nhiệt lượng thì mới chín. Tiếng hát của tôi cũng vậy, tôi là người khá cầu toàn, nên tôi muốn để làm một liveshow giới thiệu tiếng hát của mình trước công chúng thì đó phải là chương trình chuẩn bị tốt nhất, chu đáo nhất.
Một điều khá lạ là trong ê- kíp thực hiện chương trình của chị có nhà văn Nguyễn Khắc Phục làm cố vấn kịch bản, tại sao không phải là một nhạc sĩ mà lại là nhà văn, chắc có gì đặc biệt?
- Tôi muốn chương trình của mình phải đem đến những cảm xúc thật đẹp cho khán giả nên mới mời nhà văn Nguyễn Khắc Phục làm cố vấn cho kịch bản của đêm diễn. Ông góp ý cho tôi nên chọn bài nào trong hàng trăm bài hát tôi đã từng hát trong suốt những năm qua để chương trình không bị thiên về một màu. Tôi cũng hỏi ý kiến của nhà văn về việc sắp xếp các ca khúc thế nào cho hợp lý, để khán giả ngồi nghe 22 tiết mục trình diễn mà không bị thấy đều đều. Tôi cần một chuyên gia về văn học để giúp tôi tìm ra một sợi dây nghệ thuật xuyên suốt chương trình và nhà văn Nguyễn Khắc Phục đã rất nhiệt tình giúp tôi điều đó.
Gần 20 năm đứng trên sân khấu, lại có bề dày kinh nghiệm của giảng viên thanh nhạc Học viện Âm nhạc quốc gia, chắc chị cũng không gặp khó khăn về mặt kinh nghiệm trình diễn để chuẩn bị cho liveshow này?
- Không hoàn toàn như vậy. Có đi sâu vào nghề mới thấy, càng muốn có kỹ thuật trình diễn tốt thì ca sĩ lại càng vất vả, nhất là trong dòng thính phòng và dân gian mà tôi đang theo đuổi. Mỗi bài hát tôi dựng, tập luyện không biết bao nhiêu lần từ công đoạn “vỡ” bài, thuộc bài cho đến tìm ra màu sắc thể hiện cảm xúc, kỹ thuật… Có các ca khúc thính phòng kinh điển thế giới rất khó thuộc lời, tôi đã phải học mọi lúc mọi nơi, nấu cơm cũng nhẩm hát, lên giường ngủ vẫn phải mang theo để học, tỉnh dậy lại học tiếp, dần dần mới thấm và trở thành bài hát của mình. Chúng tôi luôn dạy các em, ca sĩ khác với người hát, nghệ sĩ khác với người hành nghề, mỗi bài hát đều phải dồn hết tâm sức, cảm xúc vào đó, biến nó thành một nghệ thuật đúng nghĩa thì mới thành công, ai hát theo chạy show cho nhanh, khán giả nghe là biết ngay.
Vậy chị có khi nào gặp các “tai nạn” trên sân khấu không?
- Có chứ. Tôi nhiều năm đi hát, nhiều ca khúc hát đến mức nằm lòng mà vẫn có lúc gặp tai nạn. Có lần tôi hát bài “Xa khơi”, hát hết câu đầu tiên “Nắng tỏa chiều nay, chiều tỏa nắng đôi bờ anh ơi” thì đột nhiên quên mất câu sau, không thể nhớ tiếp, đầu mình như một cuốn băng bị xóa trắng vậy, thế là đành hát lại, mãi mới nhớ ra. Đó là những “tai nạn” rất khó hiểu và may là cũng được khán giả bỏ qua.
Không hiểu mọi người thế nào, chứ tôi mỗi khi hát ca khúc “Tình đời” của nhạc sĩ Minh Kỳ là lại thấy rơm rớm nước mắt, ca khúc có lời thế này: “Khi biết em mang kiếp cầm ca đêm đêm phòng trà dâng tiếng hát cho người đời…”. Bởi thế mà tôi chọn ca khúc này để trình diễn trong liveshow này của mình, tôi sẽ hát như một con tằm rút ruột mình mà hát, để khán giả hiểu thêm về “kiếp cầm ca” và tình nghệ sĩ. Nghệ sĩ chúng tôi rất yếu đuối, cần tình thương, sự chia sẻ và lòng cảm thông của người đời.
Có bài viết đã khen ngợi giọng hát của chị, rằng qua tiếng hát Anh Thơ mới thấy được hết vẻ đẹp của tiếng Việt, trong liveshow này chị cũng hát ca khúc “Tiếng Việt” (thơ Lưu Quang Vũ, nhạc Lê Tâm), có phải vì lý do này?
- Ca khúc “Tiếng Việt” là điểm nhấn mở màn chương trình, tôi tâm đắc với phần trình diễn này, khi đó sân khấu sẽ tắt hết đèn, chỉ còn đèn rọi vào ca sĩ, tôi sẽ hát vo mà không có nhạc đệm, để mọi người thấm hết cái hay, cái đẹp của từng con chữ: “Ôi tiếng Việt, như đất cày, như lụa. Óng tre ngà, mềm mại như tơ”. Mỗi lần hát những ca khúc có ca từ đẹp về tiếng Việt, trong lòng tôi cảm thấy sung sướng và hạnh phúc lắm. Còn gì đẹp hơn là tiếng nói, tiếng hát của quê hương xứ sở mình.
Xin cảm ơn chị!