Theo đó, Bộ Giáo dục đề nghị ĐH Quốc gia Hà Nội triển khai các biện pháp xử lý đối với số bằng thạc sĩ do trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) cấp chưa phù hợp với quy định và số văn bằng tốt nghiệp đại học, bằng thạc sĩ do đối tác nước ngoài liên kết đào tạo với Trung tâm Công nghệ đào tạo và Hệ thống việc làm (Trung tâm ETC) thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội đã cấp cho học viên.
ĐH Kinh tế phải tổ chức cho học viên làm luận văn và hoàn thành bảo vệ luận văn tốt nghiệp theo đúng quy định về đào tạo trình độ thạc sĩ trước ngày 30.6.2014. Sau thời hạn này, văn bằng của những học viên chưa hoàn thành bảo vệ luận văn sẽ không có giá trị sử dụng. Kinh phí cho việc hướng dẫn làm luận văn và bảo vệ luận văn sẽ do ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Kinh tế chịu trách nhiệm chi trả.
Lễ tốt nghiệp của 35 tân thạc sĩ Quản trị kinh doanh quốc tế do ETC liên kết với ĐH Griggs (Mỹ) đào tạo. Ảnh: VNU. |
Văn bằng cử nhân và bằng thạc sĩ do đối tác nước ngoài cấp cho học viên Việt Nam theo học các chương trình liên kết đào tạo với Trung tâm ETC muốn được công nhận và có giá trị sử dụng ở Việt Nam phải bổ sung minh chứng đáp ứng yêu cầu đầu vào về chứng chỉ ngoại ngữ.
Cụ thể, học viên cần có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế đạt điểm tối thiểu TOEFL 500 (thi trên giấy), hoặc TOEFL iBT 61 (thi trên Internet), hoặc IELTS 6.0 đối với người có bằng tốt nghiệp đại học do ĐH Griggs cấp; có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế đạt điểm tối thiểu TOEFL 530 (thi trên giấy), hoặc TOEFL iBT 71 (thi trên Internet) hoặc IELTS 6.5 đối với người có bằng thạc sĩ do ĐH Griggs hoặc ĐH Delaware cấp.
Trường hợp đã được cấp bằng không cung cấp được những chứng chỉ tiếng Anh theo yêu cầu nêu trên tại thời điểm tuyển sinh, nhưng có các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế có giá trị sử dụng đến hết ngày 30.6.2014 có thể được chấp nhận.
Bộ Giáo dục yêu cầu dừng tất cả chương trình liên kết đào tạo do Trung tâm ETC đang triển khai tại TP HCM, TP Vinh và các địa phương khác. Bộ không xem xét công nhận bằng tốt nghiệp của các chương trình liên kết này đối với khoá tuyển sinh sau khi đã có kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Trước đó vào đầu tháng 1, Thanh tra Chính phủ có kết luận thanh tra công tác quản lý liên doanh, liên kết đào tạo đại học và sau đại học. Theo đó, trên 46% trong tổng số 419 chương trình liên kết đào tạo tại 18 trường chưa được Bộ Giáo dục cấp phép. 15 trường không có biên bản ghi nhận về điều kiện cơ sở vật chất, 5 trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu...
Vi phạm nhiều và nghiêm trọng nhất tập trung ở ĐH Quốc gia Hà Nội, như cho phép học viên cao học thuộc 8 chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ của ĐH Kinh tế không viết và bảo vệ luận văn, yêu cầu 11 đơn vị trực thuộc nộp phần trăm các nguồn thu lên hơn 21 tỷ đồng...