Dân Việt

Tân Lạc (Hòa Bình): Dân đồng thuận là xong

Anh Thơ 15/12/2014 06:15 GMT+7
“Khi mọi việc được đưa ra bàn bạc công khai, dân chủ thì những vướng mắc trong vấn đề giải phóng mặt bằng xây dựng nông thôn mới đã được hóa giải” - ông Bùi Văn Hiển - Phó Chủ tịch UBND xã Quy Hối (Tân Lạc, Hòa Bình) cho biết.

Lắng nghe và hóa giải

Mặc dù Quy Hậu không phải là xã điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) của huyện, tỉnh trong giai đoạn 1, nhưng chính quyền và người dân nơi đây cũng rất hăng hái triển khai thực hiện các tiêu chí, đặc biệt là ưu tiên hoàn thiện hệ thống đường giao thông nông thôn, nội đồng. Ông Bùi Văn Hiển - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Quy Hối có tới 85% dân số là người Mường, do đó khi thực hiện công tác giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình hạ tầng, xã rất lo ngại ảnh hưởng đến lợi ích của các hộ. Nhưng nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, việc giải phóng mặt bằng đã diễn ra suôn sẻ”.

img
Ông Bùi Văn Hiển (áo trắng đứng giữa) cùng cán bộ Hội Nông dân Hòa Bình kiểm tra con đường nội đồng từ xóm Cộng 1 đi Cộng 2.
Nhớ lại khoảng thời gian đầu xã thi công các tuyến đường giao thông và nội đồng, ông Hiển cứ nhắc mãi trường hợp ông Bùi Thái Chương ở xóm Chớ đã xung phong giải phóng trước tường rào của gia đình chờ con đường đi qua; hay ông Bùi Văn Bực ở xóm Cộng 1, lúc đầu không chịu phá cây, nhường đất cho khúc cua tay áo trên con đường bê tông nội đồng, nhưng sau khi được tuyên truyền, vận động, ông đã đồng ý hiến 30m2. “Hôm đồng ý hiến đất, ông Bực có tâm sự: “Tôi không cho thì con đường sẽ không hoàn thành như mong muốn, tôi cũng rớt nước mắt vì tiếc đất nhưng không thể vì lợi ích cá nhân mà làm ảnh hưởng tới sự phát triển của quê hương...”. Chúng tôi thực sự cảm kích trước tấm lòng của người dân, tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng vẫn chung tay vì một tương lai mới” - ông Hiển nói.

 

Hay như chuyện xây nhà văn hóa ở xóm Khang 2, trong quá trình tổ chức họp bàn, một số người tỏ ra băn khoăn về việc sử dụng vốn, vậy là trưởng xóm mạnh dạn giao luôn việc giám sát thu, chi cho họ. Nhờ đó, mọi việc đã trở nên suôn sẻ.

Quan điểm

Bà Hồ Kim Hằng
 Từ những công trình đã triển khai thành công ở Quy Hối cho thấy, sự đồng thuận rất quan trọng, và mô hình này có thể triển khai áp dụng ở những lĩnh vực khác”. 
Chia sẻ về quá trình vận động người dân tham gia làm đường nội đồng từ xóm Cộng 1 đi xóm Cộng 2, bà Bùi Thị Thiết - Trưởng xóm Cộng 1 cho biết: “Ngay sau khi xã có chủ trương, chúng tôi đã nhanh chóng triển khai các cuộc họp dân, lắng nghe ý kiến của bà con, cùng phân tích những lợi ích thiết thực khi con đường hoàn thành, cũng như giải đáp kịp thời những băn khoăn, trăn trở của bà con. Khi mọi chuyện thông suốt, con đường đã hoàn thành cấp phối trong thời gian rất ngắn (từ 30.10 – 7.11.2014) với tổng chiều dài 433m, trong đó nhân dân hiến 400m2 và đóng góp 18 triệu đồng”. Cũng với cách làm này, xã Quy Hậu đã xây dựng hoàn thiện Nhà văn hóa xóm Khang 2 và đang triển khai tuyến đường ở xóm Chớ dài 370m. Trong quá trình triển khai không có khiếu kiện, khiếu nại.

 

Xây dựng mô hình đồng thuận

Bà Hồ Kim Hằng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình cho biết: “Quy Hậu là một trong những xã của huyện Tân Lạc được Hội chọn triển khai mô hình đồng thuận trong quản lý và sử dụng đất đai. Cái được lớn nhất của mô hình là góp phần tăng cường sự tham gia và giám sát của cộng đồng thông qua sự đồng thuận trong việc triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng cơ chế tham gia và giám sát của cộng đồng; nâng cao năng lực, nhận thức của người dân và chính quyền địa phương về quyền lợi, nghĩa vụ, vai trò và trách nhiệm của mình trong thực thi Luật Đất đai và các chính sách có liên quan; thiết lập được mối quan hệ hiểu biết, chia sẻ giữa chính quyền, người dân và các bên liên quan...”.

Cũng theo bà Hằng, thực chất của mô hình đồng thuận là chính quyền và người dân cùng bàn bạc, thống nhất để tìm ra tiếng nói chung trong các vấn đề cụ thể của địa phương, như ở Quy Hối là việc giải phóng mặt bằng gắn với xây dựng NTM.