Ý nghĩ bắt đầu từ một truyện vừa được chuyển thành phim
Mỗi khi đến giờ phát sóng phim truyền hình, vào bất kì buổi nào trong ngày khi chuyển hết kênh này sang kênh khác, từ TH Trung ương đến địa phương, đều không thoát khỏi sự bực mình khi trên màn ảnh chỉ thấy tràn ngập phim nước ngoài trong đó đa phần là phim Trung Quốc kế đến là Hàn Quốc. Tôi không muốn nâng lên thành quan điểm về sự xâm lăng văn hoá của thế lực mềm dưới cái vỏ của phim ảnh mà chỉ lấy làm buồn vì sự bất lực của ngành sản xuất phim truyền hình nứơc ta.
Cách đây dăm sáu năm, không ít nhà quản lý truyền hình còn mạnh dạn tuyên bố sẽ dành giờ vàng cho phim Việt. Nhưng thật đáng buồn vào những giờ vàng ấy người xem càng bực mình hơn khi phim thuần Việt chỉ lèo tèo vài ba phim tuy còn ít nhiều sạn nhưng cũng đủ tạo sự cuốn hút đối với khán giả như Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch tỉnh, Những đứa con biệt động Sài Gòn… còn hầu hết là các phim, nói theo từ chuyên môn là Việt hoá còn gọi theo giọng thương mại là nhái lại các phim nứơc ngoài một cách thảm hại, lười biếng, thiếu cả tài năng lẫn trách nhiệm đối với khán giả.
Bào chữa cho sự nhái tệ hại này, không ít nhà quản lý, làm phim lại đổ cho kịch bản phim trong nước nghèo nàn, thiếu tính hấp dẫn, thiếu hành động lỳ kì và tình tiết sinh động… Những lý do đó đưa ra thật khó thuyết phục mà nó chỉ tiêu biểu cho sự thụ động, ăn xổi, lười sáng tạo của các nhà làm phim nứơc ta.
Phòng trưng bày phục trang các nhân vật chính trong phim Nàng Dae Jang Geum
Mặt khác, nó cũng tiêu biểu cho thực trạng đáng buồn đang bao phủ. Đó là sự lười đọc, hay là sự xuống cấp đáng báo động của văn hoá đọc ở nước ta. Đáng buồn hơn, sự lười này biểu hiện ngay cả hàng ngũ nghề nghiệp những người cần đọc như các nhà lý luận phê bình văn học, các nhà làm phim, các nhà thẩm định các giải thưởng văn hoá nghệ thuật.
Ý nghĩ phê phán này loé ra khi tôi chợt nhớ lại việc truyện vừa của tôi Làng êm ả bên sông được giải thưởng trong cuộc thi truyện vừa của Tạp chí Tác Phẩm mới (Hội Nhà Văn) thì cũng thật tình cờ đạo diễn Nguyễn Huy Hoàng ở Hãng Phim truyện 1 đọc được và anh đã làm bộ phim hai tập Chuyện đột ngột của làng ven sông với sự tham gia của các diễn viên Huy Công, Thuý An, Phương Thanh, Kim Sinh… Đạo diễn Huy Hoàng nói với tôi: “Đọc truyện của anh em thực sự bị hấp dẫn bởi chất thời sự nóng hổi của câu chuyện về ngôi làng ven sông bị băng hoại vì thương mại. Chất tạo hình trong một cốt chuyện hấp dẫn”.
Ngay sau đó, đạo diễn Nguyễn Anh Dũng dựa theo truyện ngắn này làm một phim truyện 90 phút. Tôi đưa dẫn chứng này ra chỉ muốn nói rằng. Không chỉ ở truyện vừa Làng êm ả bên sông mà bất kì tác phẩm văn học cũng đều mang sẵn mầm mống của những kịch bản phim hay. Không phải ngẫu nhiên giai đoạn các nhà làm phim còn chịu đọc, sự xâm thực phim nước ngoài chưa mạnh mẽ và nhất là nhu cầu phim truyền hình chưa thúc ép như hiện nay thì không ít tác phẩm văn học đã được chuyển một cách thận trọng, đầy tâm huyết và có tay nghề thành những bộ phim truyền hình hấp dẫn như Mùa lá rụng trong vườn, Sóng dưới đáy sông…
Và vào những năm đầu của thập kỉ 90 của thế kỉ 20, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ làm trưởng ban phim TH dạo đó đã từng cử BTV Diệu Hương, con gái đạo diễn Tất Bình, đến nhà kẻ viết bài này với ý định xin chuyển thể hơn chục tiểu thuyết của chủ nhà thành phim. Tiếc thay sự làm phim truyền hình chu đáo, cẩn thận đó giờ đây đã bị thay thế bằng một kiểu làm phim theo lối “ngắt ngọn” ăn xổi khó chấp nhận núp dưới cái tên “Việt hoá”.
Thử già theo quá trình tạo ra cơn lốc “Việt hoá kịch bản phim nứơc ngoài”
Cảnh trong phim Những đứa con biệt động Sài Gòn
Vì sao lại có cơn lốc này?
Không thể phủ nhận nhu cầu của phim TH lúc này đang trở thành áp lực ghê gớm đối với các đài TH từ Trung ương đến địa phương khi số lượng các kênh đựơc mở ra, lượng sóng được gia tăng gấp bội so với trứơc đây.
Tất nhiên cũng cần thấy rõ hệ thống truyền hình ở nước ta, nhất là hệ thống TH địa phương trong xu thế “trăm hoa đua nở”, “con gà tức nhau tiếng gáy” nên đã đẻ ra tình trạng mỗi tỉnh một đài PT- TH trong đó lượng tin địa phương quá ít, dây chuyền sản xuất phim của các đài TH-PT địa phương kể cả đài Thủ đô gần như không đựơc quan tâm nên để lấp đầy sóng các chương trong ngày không gì tốt hơn bằng việc chiếu các phim nước ngoài mua với giá rẻ và đưa quảng cáo thương mại. Điều này vô tình đã tạo điều kiện tuyên truyền không công cho văn hoá nước ngoài và gây ra tác động xấu trong sự giáo dục nhất là đối với tầng lớp thanh, thiếu niên…
Trở lại tình trạng cơn lốc Việt hoá xô bồ của phim TH gần đây thì thấy cách làm này không mới. Từ đầu thế kỉ 20, không ít nhà văn hoá đã áp dụng biện pháp này trong quá trình xây dựng nền văn hoá Việt nam. Ở lĩnh vực sân khấu, trứơc khi Vũ Đình Long cho ra đời vở kịch nói đầu tiên của nước ta Chén thuốc độc công diễn tại Nhà hát lớn vào năm 1921 thì sân khấu nước nhà đã có nhiều kịch bản Việt hoá từ kịch bản của nền kịch cổ điển Pháp. Tiêu biểu như tác phẩm “Le Cid” của Corneillce thành vở cải lương “Lộ Đích”.
Hay chỉ vài năm trước đây thôi, các nhà làm phim Trung Quốc còn chuyển cuốn tiểu thuyết mang tính cổ điển về thanh niên thời chiến tranh vệ quốc Liên xô Thép đã tôi thế đấy thành bộ phim nhiều tập khá hấp dẫn. Còn ở ta hiện nay, cách Việt hoá kịch bản phim nước ngoài “thật chẳng giống ai” và cũng chẳng theo một nguyên tắc nào. Tôi còn nhớ cách đây 6 năm, tức vào năm 2005, khi các hãng phim tư nhân được phép hoạt động thì hãng BHD đã mở đầu trào lưu Việt hoá kịch bản phim nứơc ngoài với kịch bản Nguyệt quán của Ý.
Sau đó, hãng này liên tiếp Việt hoá các kịch bản của nước ngoài như Người mẹ nhí,Cô gái xấu xí, Ngôi nhà hạnh phúc… Hãng M&T Picture thì Việt hoá Cô nàng bất đắc dĩ, Cô nàng bướng bỉnh, Anh em nhà bác sĩ… Đến nay, khi các hãng này gần như ngừng hẳn xu hướng này thì không ít hãng phim vẫn sốt sắng xuất ngoại đi mua kịch bản hoặc mua bản quyền các phim ăn khách của nước ngoài về Việt hoá mà chủ yếu là kịch bản Hàn Quốc. Điều này cắt nghĩa vì sao vào giờ vàng trên các kênh TH chỉ thấy rặt loại phim ngoại lai nhố nhăng là vậy.
Nói kĩ hơn về tác hại của loại phim Việt hoá
Tôi đã nói bản thân phương hướng Việt hoá không có lỗi nếu nó được làm một cách bài bản, khoa học, công phu dựa trên sự nghiên cứu và chuyển hoá của những ngưòi có tay nghề và có trách nhiệm. Đáng tiếc cách Việt hoá hiện nay trong phim truyền hình lại là sự cẩu thả, vô trách nhiệm. Hầu hết các phim Việt hoá đều bê nguyên xi phim nước ngoài từ cốt chuyện, tình tiết, tâm lý nhân vật.
Trong đó, diễn viên Việt nói tiếng Việt nhưng diễn cuộc sống nước ngoài, sống với tâm trạng nứơc ngoài một cách phản cảm, vong quốc, lãng phí tiền mà lại gây ra những tác hại không nhỏ trong sự giáo dục thế hệ tương lai. Cái gọi là Việt hoá có chăng là sự đổi đầu đề tên phim. Thay tên nhân vật “Li Dông Chu”, “Pac Hi Chon” thành Lê Dũng, Kim Phượng. Vở chèo kinh điển Quan Âm Thị Kính đựơc các nhà nghiên cứu nước ta cho biết, cốt truyện nguyên thuỷ cũng từ bán đảo Triều Tiên nhưng cho đến nay vở chèo đã mang đậm hồn phách và cảnh vật làng quê Việt nam. Cha ông ta thực sự thiên tài đã thổi hồn cốt con dân Việt vào một cốt chuyện mượn của nước ngoài.
Còn phim Việt hoá hiện nay của ta thì đúng là thứ giả cầy vong bản trong đó khán giả chán ngán và lạ lẫm khi thấy những mối tình tay ba vớ vẩn, nhưng gã đàn ông, những ả đàn bà chẳng biết vì sao cũng bị ung thư máu, những cô gái hễ cứ chán đời, có sự cố trong tình yêu, gia đình là tu bia, rượu ừng ực (một thứ Việt hoá rượu Sô Chu nhàn nhạt của Hàn Quốc) rồi nói những câu thoại là thứ văn dịch ngô nghê. Vài năm trở lại đây Nhật Bản - quốc gia hiện đại, phát triển nhưng luôn chú trọng bảo vệ văn hoá cổ truyền đã rộ lên phong trào phản đối Hallyu – trào lưu ảnh hưởng văn hoá Hàn Quốc. Còn ở ta chính kiểu làm phim Việt hoá “mì ăn liền trộn nộm đu đủ” kiểu này sẽ mang lại gì trong việc xây dựng nền văn hoá Việt nam, giữ gìn bản sắc dân tộc với xu thế mở cửa và hội nhập
Xin một góp ý nhỏ đối với các nhà làm phim
Trong một bài báo tôi đã đề nghị các nhà làm phim nên quay lại con đường kinh điển là đến với các tác phẩm văn học. Còn hôm nay, tôi xin có thêm một góp ý nhỏ. Ấy là muốn vượt qua đựơc cơn bão đi mua kịch bản nước ngoài về Việt hoá chỉ có con đường duy nhất là mỗi đài PT-TH hay nhiều đài tập hợp lại thành một tổ hợp đủ sức lập thành một hãng phim. Trước tiên phục vụ việc phát sóng, sau thì đóng góp cho nền điện ảnh nước nhà. Trong lần làm việc với Đài MBC của Hàn Quốc, đựơc chứng kiến tận mắt cách làm phim và tổ chức sản xuất phim của đài này, tôi mới hiểu vì sao Điện ảnh - TH Hàn Quốc lại mạnh như thế. Cùng với đài KBS, đài MBC là một trong hai đài TH mạnh của Hàn Quốc. Nhưng ngay từ khi mới thành lập, đài này đã xác định xây dựng một hãng phim TH thực sự mạnh.
Ngoài việc từng bứơc xây dựng cơ sở vật chất làm phim ngày càng hoàn chỉnh thì hàng năm MBC mở chiến dịch thăm dò dư luận xã hội, sở thích hàng năm của khán giả về phim ảnh trên cả nứơc từ đó có kế hoạch mời các tác giả, đạo diễn hợp tác viết kịch bản đáp ứng cả số lượng lẫn đề tài phim cả năm (tất nhiên với thù lao phù hợp, cỡ 2000 USD /tập cho phim dài tập so với 7-8 triệu đồng/tập ở ta).
Với một phương châm làm việc nhất quán đó nên mặc dù là đài PT-TH nhưng MBC trong gần chục năm trở lại đây đã trở thành một trong những hãng phim mạnh của Hàn Quốc cho ra những tác phẩm nổi tiếng không chỉ ở Hàn Quốc mà cả trên thế giới.
Tôi có may mắn đựơc đến thăm cơ sở làm nhạc, làm tiếng động của MBC, và nhất là đến thăm phim trường phim Nàng Dae Jang Geum vốn được giữ lại sau khi phim hoàn thành và trở thành điểm du lịch, mỗi ngày thu hút hàng triệu khách đến thăm quan. Theo thiển ý của tôi, đã đến lúc ngành làm phim cũng như các ngành văn hoá, nghệ thuật và cả thể thao của ta, để có đựơc các thành tựu đáng tự hào, cần nhanh chóng bỏ đi cách làm ăn chụp giật, chữa cháy để tìm đến lối làm ăn căn cốt có chiều sâu và có quá trình xây dựng, phát triển từ gốc.