Không muốn mất thiên chức làm vợ
Nói về căn bệnh u xơ tử cung, Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ Nguyễn Thị Bích Ngọc - Bệnh viện Bảo Sơn chia sẻ về các trường hợp bệnh nhân mà bà đã gặp và đang điều trị.
Ảnh minh họa
Chị Hương Liên trú tại Hải Phòng, bị u xơ tử cung có kích thước lớn. Cuộc sống của chị khá khốn khổ vì khối u xơ. Cứ đến chu kỳ hành kinh của phụ nữ, chị Hương đau đớn vô cùng. Điều chị Hương khổ tâm nhất là khối u càng ngày càng lớn trong khi đó các biện pháp chị đang điều trị bằng đông y không có hiệu quả.
Nhiều lần lên bệnh viện khám, bác sĩ lắc đầu bảo chị khối u xơ lành tính để cũng không ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều nhưng để giảm những ngày khốn khổ vì đau bụng kinh, chị Liên cần làm phẫu thuật. Khối u lớn chèn tử cung nên bắt buộc phải cắt tử cung.
Vừa nghe đến việc phải cắt tử cung, chị Liên đã bật khóc. Với chị, cắt tử cung khác nào chuyển giới làm đàn ông. Chị Liên kể chồng mình làm thủy thủ. Công việc của anh lênh đênh trên biển suốt ngày có khi cả tháng, hai tháng mới về thăm vợ con. Nhưng đổi lại, anh có tình yêu dành cho vợ vô bờ bến. Lấy nhau hơn mười năm nhưng tình cảm của hai người như ngày đầu mới yêu. Nếu chị Liên cắt bỏ tử cung sẽ song hành với việc chị không thể "chiều" những nhu cầu của chồng.
"Tình yêu mà không có thăng hoa thì làm sao bền lâu được. Tôi phải chiều chồng, đó là tình yêu cũng như nghĩa vụ của người vợ với chồng. Nếu bảo tôi làm đàn ông khác nào bảo tôi chết" - chị Liên tâm sự.
Chuyện phụ nữ khó nói, chị âm thầm giấu chồng. Chị lo chồng suy nghĩ về sức khỏe của vợ. Chị Liên mong muốn có thể điều trị khối u xơ bằng các biện pháp không xâm lấn để chị có thể giữ được nguyên vọng làm người vợ hết lòng vì chồng.
Một ca phẫu thuật u xơ tử cung khổng lồ
Vô sinh vì u xơ tử cung
Một trường hợp khác mắc u xơ tử cung là chị Hoàng Thị Hạnh trú tại Tương Mai, Hà Nội. 3 năm qua với chị Hạnh như cực hình. Cưới nhau được hơn 1 tháng, chị phải vào viện cấp cứu sau một lần bị đau bụng. Lúc này bác sĩ cho biết chị bị u xơ tử cung và phải làm phẫu thuật. Dù chỉ là phẫu thuật nội soi nhưng từ đó đến nay chị Hạnh không thể có con.
Chồng chị Hạnh hiểu tình cảnh của vợ nhưng anh cũng chịu áp lực con cái từ phía gia đình nên hai vợ chồng thường xuyên cãi nhau. Nhiều lần, chồng chị tâm sự sẽ tìm con nuôi rồi anh bàn khi về già hai vợ chồng vào viện dưỡng lão khiến chị Hạnh ứa nước mắt.
Bao đêm nằm cạnh chồng, điều chị sợ nhất là không thể cho anh đứa con. "Phụ nữ không có con thì đâu còn là phụ nữ nữa" - điều chị Hạnh luôn trăn trở. Chị bảo "tôi sẽ cố gắng thêm 2 - 3 năm nữa nếu không thể có con, tôi sẽ đi tìm cho anh một người phụ nữ khác. Anh tốt bụng, yêu vợ nhưng không phải vì thế mà tôi bắt anh vào trại dưỡng lão với mình".
Ở tuổi 49 chị Lê Hà trú tại Hà Nội biết mình bị u xơ đa nhân. Khi đi khám, bác sĩ cho rằng nếu phải mổ sẽ cắt hoàn toàn tử cung chừa hai buồng trứng nếu khi mổ phẫu thuật viên đánh giá buồng trứng còn tốt. Ngoài ra, bác sĩ còn tư vấn với chị về những tai biến phẫu thuật. Rủi ro trong mổ như: tai biến gây mê (sốc thuốc mê), tai biến phẫu thuật (tổn thương ruột, bàng quang, niệu quản, mất máu nhiều...); và biến chứng sau mổ (nhiễm trùng, viêm tắc tĩnh mạch, dò bàng quang - âm đạo...).
Ở tuổi mãn kinh nhưng chị Hà vẫn không muốn mình trở thành người phụ nữ khiếm khuyết, chị đành chấp nhận sống chung với u xơ với hi vọng nó sẽ nhỏ đi phần nào.
* Tên nhân vật đã thay đổi.