Dân Việt

NSƯT Anh Tú: Không bị áp lực khi dựng kịch chống tham nhũng

Thanh Hà (thực hiện) 16/12/2014 08:00 GMT+7
NSƯT Anh Tú chia sẻ như vậy với phóng viên Báo NTNN khi đang dàn dựng vở kịch “Tấm gương”. Đây là vở kịch nói về công tác quản lý, chống tham nhũng được Bộ Văn hóa, Thể thao-  Du lịch đặt hàng Nhà hát Tuổi Trẻ, dự kiến sẽ ra mắt vào giữa năm 2015.

Vừa là Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, lại tham gia giảng dạy tại 2 Trường Đại học Sân khấu- Điện ảnh và Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, bận rộn với công việc là vậy, tại sao anh còn nhận lời làm đạo diễn vở “Tấm gương”?

img
Nghệ Sĩ Ưu Tú Anh Tú 

-Vở kịch này là của tác giả Chu Thơm, nội dung được viết tốt, ý tứ, câu chuyện rất hay. Khi được Nhà hát Tuổi Trẻ mời, tôi rất vui, bởi đó là nơi tôi đã từng gắn bó rất lâu trước khi sang Nhà hát Kịch Việt Nam. Được trở về nơi mình gắn bó, thân quen còn gì hạnh phúc hơn. Hơn nữa, Nhà hát Tuổi Trẻ cũng là nhà hát đầu ngành, có thương hiệu trong làng sân khấu kịch Việt Nam. Vì thế không có lý do gì để tôi từ chối vai trò làm đạo diễn, dù có bận mấy thì bận, tôi vẫn nhận lời.

Anh đánh giá kịch bản của vở kịch “Tấm gương” rất tốt, vậy anh có thể chia sẻ kỹ hơn?

img
 Vở kịch “Tấm gương” trên sàn tập của Nhà hát Tuổi Trẻ.  Ảnh: Thanh Hà


- Đây là vở kịch được đặt hàng từ Bộ Văn hóa, Thể thao -Du lịch về công tác quản lý cán bộ. Câu chuyện của vở kịch được xoay quanh một cán bộ vừa có mặt tích cực, giúp được công việc cho dân, cho nước vừa có mặt tiêu cực với nhiều tính xấu như cũng bán đất công, dìm người này, triệt tiêu người kia để bảo vệ chiếc ghế mình đang ngồi… Ngay sau khi đọc xong, tôi đã rất thích kịch bản, tuy nhiên đây cũng là vở kịch hơi khó làm, vì cách viết của tác giả là kịch lồng trong kịch. Tức là mở màn đã là kết thúc và đột nhiên nhân vật hồi tưởng nhớ về quá khứ, tuổi thơ nghèo khó của mình, rồi lại nhớ thời thanh niên, tuổi trẻ với nhiều nhiệt huyết… Nếu chỉ để đọc thì bạn đọc có thể dễ dàng tưởng tượng ra được ngay cốt truyện. Nhưng để dựng trên sân khấu kịch, cho hàng mấy trăm khán giả xem trực tiếp hiểu được lại là một vấn đề không đơn giản.

Đứng ở vai trò làm đạo diễn vở kịch “Tấm gương”, một vở kịch đặt hàng và chống tham nhũng, anh có bị áp lực?

Quan điểm

NSƯT Anh Tú
 Với tôi dù có những xô bồ, cay đắng, nghiệt ngã, bon chen của cuộc sống nhưng con người ta vẫn phải bay lên, phải thoát ra khỏi hiện thực, mặc dù  điều đó có khi chỉ xảy ra trong ý nghĩ. Và ở vở kịch này, tôi cũng sẽ gia giảm một chút lãng mạn trong hiện thực” 
-Tôi không thấy bị áp lực về việc dàn dựng một vở kịch chống tham nhũng, bởi đây không phải lần đầu tiên tôi làm những dạng kịch này. Khi tôi sang Nhà hát Kịch Việt Nam, tôi đã từng dựng những vở kịch chống tham nhũng với những vấn đề lớn hơn nhiều. Tuy nhiên tôi lại bị áp lực bởi mình sẽ phải dựng thế nào cho hay, diễn viên khi tập phải cảm thấy hứng thú, say mê dưới ngón nghề đạo diễn của tôi…

 

Tôi cho đây không phải là vở kịch đơn thuần chống tham nhũng, mà là về con người làm công tác cán bộ. Trước khi làm cán bộ, anh phải làm người đúng nghĩa. Tất nhiên anh hùng cũng có lúc sai, nhưng về cơ bản phải là một người tốt trước. Vở kịch cũng nói về một số nhóm đã tạo bè phái kiểu lợi ích nhóm để tạo đường dây và ăn chia với nhau. Chính vì vậy, chống tham nhũng, tôi cho chỉ là một lát cắt trong rất nhiều lát cắt trong vở kịch.

Anh nói “Tấm gương” là vở kịch khó dựng, khi kịch đi theo lối kịch lồng trong kịch. Vậy sẽ phải dùng thủ pháp như thế nào để thể hiện hết được những tình tiết khó?

- Tôi có một kinh nghiệm, tất cả những gì rối rắm, phức tạp nhất trong tâm lý của con người cũng như mở rộng hơn trong mạch kịch thì tôi sẽ phải làm cho giản dị, dễ hiểu. Tức là tôi sắp xếp, xâu chuỗi theo trình tự thời gian và tập trung vào phân tích tâm lý và quá trình sa ngã của nhân vật. Chẳng hạn trong thời gian nhân vật này giữ cương vị cán bộ, ông mắc những tội lỗi khủng khiếp, táng tận lương tâm đến mức dàn cảnh gây ra vụ tai nạn giao thông giết anh vợ… Hoặc tôi sẽ khoét sâu vào vấn đề ngay cả con trai của ông ấy cũng không nhận ra được bố chỉ bởi ông bố đã khác, khác cả hình thức bên ngoài lẫn tính cách bên trong. Còn gì đau xót hơn khi đến con trai của mình không nhận ra mình...

Liệu đây cũng là điểm nhấn của vở kịch?

- Đúng vậy, đó sẽ là những điểm nhấn đầy nhân văn, sau mỗi bài học, tư tưởng của vở diễn nêu ra bao giờ cũng là sự nhân ái, nhân văn. Đối với tôi, nghệ thuật sân khấu đơn giản lắm, tôi chỉ có mong ước làm sao khi tôi dựng vở sẽ làm lay động được khán giả, tạo ra nhiều cảm xúc và chạm đến trái tim của họ. Có thể làm họ hả hê sung sướng, băn khoăn, đau khổ, có chút e dè, sợ hãi khi nhìn thấy có chút mình ở trong đó. Có thể nói, thông điệp của vở kịch chính là luật nhân quả, gieo gì gặt nấy, và đó cũng là bài học cảnh tỉnh và lời khuyên răn.

Xin cảm ơn anh!