Sáng nay, tại phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, HĐXX đã tiến hành thẩm vấn công khai bị cáo Huyền Như. Nội dung HĐXX thẩm vấn xoay quanh các nghiệp vụ liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Quang cảnh phiên tòa sáng nay.
Mở đầu phần thẩm vấn, bị cáo Huyền Như đã trình bày quá trình hoạt động trong ngành ngân hàng của mình, sau đó thừa nhận toàn hành vi phạm tội. Ở một số câu hỏi của HĐXX, bị cáo Huyền Như trả lời vòng vo và liên tục nói không nhớ hết. Còn với câu hỏi về hoạt động của ngân hàng, sự khác nhau giữa tài khoản tiền gửi và tài khoản tiết kiệm, bị cáo Huyền Như trả lời và được HĐXX đánh giá là trả lời khá căn bản.
Trong phần thẩm vấn sáng nay, các câu hỏi đưa ra đối với Huyền Như, HĐXX đều hỏi đại diện các ngân hàng liên quan.
Khi HĐXX đưa ra câu hỏi: “Ngân hàng có được lấy số tiền của mình thông qua các tổ chức, cá nhân để gửi qua các ngân hàng khác kiếm lời không?” thì Huyền Như cũng như đại diện các ngân hàng được hỏi có câu trả lời không giống nhau.
Cụ thể, Huyền Như và đại diện Ngân hàng Vietinbank trả lời là không, trong khi đó đại diện Ngân hàng ACB và Ngân hàng Navibank (hai nguyên đơn dân sự) lại trả lời là có theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.
“Cùng một quy phạm pháp luật, nhưng có hai cách hiểu khác nhau. Một bên có chuẩn bị, một bên thì ấp a ấp úng. Rõ ràng hai bên có quyền lợi khác nhau”, Chủ tọa phiên tòa nói.
Để trả lời câu hỏi này, HĐXX yêu cầu đại diện Ngân hàng Nhà nước giải thích với tư cách là trọng tài để HĐXX lấy đó làm căn cứ. Song, vị đại diện của Ngân hàng Nhà nước lại trả lời vòng vo, không đúng trọng tâm khiến HĐXX phải nhắc nhở và hỏi lại nhiều lần. Sau cùng, vị đại diện này lại nói không trả lời được.
Chưa hết, với một số câu hỏi của đại diện Viện Kiểm sát, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng trả lời không đúng trọng tâm hoặc trả lời không thuyết phục. Đối với một số câu hỏi khác liên quan đến lệnh chuyển tiền liên ngân hàng, câu hỏi phân biệt lỗi của khách hàng – ngân hàng khi tài khoản của khách hàng bị giả mạo chữ ký, đại diện Ngân hàng Nhà nước đều không trả lời được và xin khất lại.
HĐXX chấp thuận và cho biết trong phần thẩm vấn vào buổi chiều nay sẽ nghe câu trả lời từ đại diện Ngân hàng Nhà nước.
Huỳnh Thị Huyền Như (sinh năm 1978), nguyên Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam (Vietinbank – Chi nhánh TP.HCM). Năm 2007, Huỳnh Thị Huyền Như vay trên 200 tỷ đồng để đầu tư kinh doanh bất động sản. Đến năm 2010, do việc kinh doanh thua lỗ, mất khả năng trả nợ nên Huyền Như nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của các khách hàng.
Từ tháng 3.2010 đến tháng 9.2011, Huyền Như thuê làm giả 8 con dấu của các đơn vị, công ty rồi sử dụng các con dấu giả này làm giả các giấy tờ, chứng từ hợp đồng và trả lãi suất cao để huy động tiền của các tổ chức, cá nhân. Tổng cộng Huyền Như và các đồng phạm đã chiếm đoạt của 9 công ty, 4 ngân hàng và 3 cá nhân tổng số tiền gần 4.000 tỷ đồng.
Tại phiên xử sơ thẩm, TAND TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Huyền Như tù chung thân về 2 tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu của các cơ quan, tổ chức; buộc Huyền Như cùng một số bị cáo khác bồi thường gần 4.000 tỷ đồng đã chiếm đoạt cho các cá nhân và tổ chức. 22 bị cáo còn lại bị phạt từ 1 năm tù treo đến 20 năm tù.
Sau phiên tòa, 20/23 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xem xét lại trách nhiệm dân sự. Riêng bị cáo Huyền Như chỉ kháng cáo phần dân sự xin tòa xem xét trả lại căn nhà cho mẹ bị cáo. Có 11/15 nguyên đơn dân sự, người bị hại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan kháng cáo cho rằng cấp sơ thẩm đã vi phạm tố tụng khi xác định không đúng tư cách tham gia tố tụng của VietinBank, đồng thời yêu cầu VietinBank có trách nhiệm bồi thường cho họ... Trước ngày mở phiên xét xử phúc thẩm, một số đương sự đã rút đơn kháng cáo.
Dân Việt sẽ tiếp tục cập nhật diễn biến phiên tòa...