Dù đã được thực hiện và hoàn thành từ cách đây khá lâu, nhưng mãi đến những ngày gần đây, bộ phim tài liệu Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng do đạo diễn Nguyễn Thị Thắm thực hiện mới bắt đầu tiếp cận được với công chúng ở Việt Nam.
Những người yêu điện ảnh đang "rỉ tai" nhau về bộ phim "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng".
Xoay quanh câu chuyện của một đoàn gánh hát lô-tô với những người đồng tính nam sống rày đây mai đó, tứ cố vô thân, Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng giúp khán giả có được một cái nhìn gần gũi, thấu suốt và chân thực hơn về cuộc sống của những người "thân sâu xác bướm".
Bộ phim được đạo diễn Nguyễn Thị Thắm thực hiện trong vòng 5 năm (2009-2014), trong đó có 13 tháng bám sát cuộc đời của các nhân vật. Nữ đạo diễn này cho biết, 13 tháng làm phim là 13 tháng cô "đeo đuổi" cùng đoàn lô-tô đi khắp các vùng quê heo hút của miền Nam Trung Bộ. Mỗi nơi dừng lại, đoàn lô tô lại bắt đầu dựng lều và tổ chức những buổi hội chợ mini để ca hát và bày trò vui giải trí cho những người dân địa phương.
Ở mỗi nơi mà những con người như "chị" Phụng, "chị" Hằng, "chị" Khanh... của đoàn lô tô đi qua, họ đều có thêm nhưng câu chuyện để kể, những ký ức khó quên về những lần bị dè bỉu, chê bai lẫn những khi được yêu mến, trân quý...
Nguyễn Thị Thắm chia sẻ, trong quá trình thực hiện bộ phim, có khi đang quay thì hết tiền, cô lại lại về Sài Gòn tìm thêm "chi viện" rồi lại tiếp tục bám đoàn. "Để có được những thước phim chân thực nhất, tôi tìm cách nắm bắt khung hình và những câu thoại của nhân vật trong bất kỳ tình huống nào, kể cả khi nhân vật đang cô đơn hay trốn chạy, cãi nhau hay giận dữ, buồn bã hay sung sướng. Cũng có những cảnh quay rượt đuổi, gây hấn, đánh nhau và thậm chí là cháy nổ, nhưng tôi cố gắng không rời máy quay", nữ đạo diễn nói.
Khi Nguyễn Thị Thắm hoàn thành xong những thước phim của Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng và bắt tay vào khâu hậu kỳ, thì "chị" Phụng, nhân vật trung tâm của bộ phim và cũng là thành viên trong gánh hát này, đã qua đời vì căn bệnh AIDS. Đó chính là lý do vì sao ban đầu bộ phim mang một cái tên khác, chung chung hơn, khái quát hơn nhưng sau đó lại được đổi thành Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng.
Cái tên này là một cách mà đạo diễn Nguyễn Thị Thắm có thể tri ân và tưởng nhớ đến chị Phụng, người đã không ngại mở lòng trước ống kinh của một nữ đạo diễn trẻ đang mới chập chững bước vào nghề.
Những thước phim chân thật của nữ đạo diễn trẻ giúp khán giả biết thêm về một góc khác trong cuộc sống người đồng tính.
Cuối cùng, Nguyễn Thị Thắm cùng Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng đã đoạt giải Special Mention (giải thưởng đặc biệt của ban giám khảo) tại Liên hoan phim tài liệu Đông Nam Á Chopshots, Indonesia. Phim cũng được vào vòng tranh cử Phim tài liệu xuất sắc nhất tại Liên hoan quốc tế điện ảnh tài liệu lần thứ 36 ở Pháp; Liên hoan phim Maraget Mead, Mỹ; Liên hoan phim Đài Loan...
Riêng tại Việt Nam, thể loại phim tài liệu vốn từ trước đến nay không được người xem "hảo" lắm, vì vậy, Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng khi mới hoàn thành chỉ được chiếu giới hạn tại một số liên hoan phim, hội phim nho nhỏ. Cho đến khi diễn viên, nhà sản xuất phim Hồng Ánh xem được tác phẩm này, cô đã quyết định mang nó đến gần với khán giả Việt hơn bằng cách tổ chức các suất chiếu và bán vé.
Do kinh phí có hạn và cũng do không dám mạo hiểm, bộ phim chỉ được công ty của Hồng Ánh chiếu tại một số địa điểm tổ chức sự kiện vào hai ngày thứ Bảy và Chủ Nhật (13-14.12) chứ không phải là rạp chiếu theo chuẩn hiện đại. Dù vậy, Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng vẫn bất ngờ nhận được sự ủng hộ lớn của khán giả.
Người yêu điện ảnh rỉ tai nhau đi xem "chị Phụng" để thấy quý trọng hơn thế giới "kỳ cục" của những người đồng tính, và cũng như một cách khích lệ các nhà làm phim, nhất là phim tài liệu trẻ, ở Việt Nam.
Poster phim "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng".
Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng ngay khi được chiếu tại Việt Nam đã gây chú ý đến nỗi, công ty của Hồng Ánh đã bán "hết veo" 2.000 vé cho những ngày chiếu đầu tiên. Sức lan tỏa của bộ phim không đình đám mà nhẹ nhàng, âm ỉ trên các trang mạng xã hội lẫn các diễn đàn điện ảnh.
Trên các diễn đàn này, hầu hết người xem đều bày tỏ sự thán phục nữ đạo diễn trẻ Nguyễn Thị Thắm bởi cô đã kiên trì bỏ ra khoảng thời gian quá dài (5 năm) để thực hiện bộ phim này. Nhiều người còn "không tin được" là Thắm lại có thể ghi được những câu thoại đắt giá, những khung hình đầy tình cảm chỉ với một chiếc máy quay cầm tay.
Thành công của bộ phim này đối với khán giả đã khiến công ty của Hồng Ánh quyết định tăng thêm các suất chiếu tại Sài Gòn, đồng thời tổ chức công chiếu tại Hà Nội cuối tháng 12 này để giới thiệu phim với khán giả rộng rãi hơn.
Có thể nói, Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng đã "đánh dấu" một bước tiến mới trong cách thưởng thức nghệ thuật điện ảnh của khán giả Việt, nhất là ở miền Nam, một vùng đất vốn được xem là "thánh đường của những tác phẩm giải trí". Giữa những ồn ào, sôi động của những bộ phim bom tấn được đầu tư với kỹ xảo cao, hiệu ứng bắt mắt, chỉ một chiếc máy quay đơn sơ của Nguyễn Thị Thắm và sự chia sẻ chân thành của chị Phụng cũng đủ để hấp dẫn người xem.