Một facebooker chia sẻ hình ảnh trang sách phiên âm tiếng Việt theo cách dễ đọc nhất. Theo đó, từ calculating được đọc thành con-c..-lây-tinh, hot-tempered sẽ được đọc thành hót-tem-pờ-rịt.
Cư dân mạng bật cười trước sách dạy phát âm kiểu "thuần Việt" thế này.
Một số ý kiến cho rằng đây là một trong những cách dễ nhất cho người mới học tiếng Anh, tuy nhiên nhiều bạn trẻ cho biết, khi học tiếng Anh phải phát âm đúng ngay từ lúc mới học, nếu không sẽ rất khó sửa về sau. Bạn Hoàng Tú (SV trường ĐH Ngân Hàng, TP. HCM) cho biết: "Nếu theo sự hướng dẫn của những quyển sách này, chúng mình sẽ gặp người nước ngoài và nói những câu như "Cúc dơ lăn! (Cook the lunch), cắt chích cừn (Cut chicken)... Bạn nghĩ xem người ta có hiểu được không?".
Một trong những quyển sách có phần phiên âm thuần Việt này là quyển "Tự học tiếng Anh cấp tốc" được ghi là do NXB Đại học Quốc gia Hà Nội phát hành. Hai quyển này được giới thiệu trên các trang mua sách trực tuyến là: "Đều có phiên âm tiếng Việt dành cho người mới học (nên kết hợp nghe với đĩa CD để đảm bảo phát âm chuẩn)".
Hình ảnh trong các trang sách, với phiên âm Anh và Việt giúp người học có thể dễ hình dung ra cách đọc câu tiếng Anh. Đây cũng là quyển sách có phiên âm tiếng Việt khá đầy đủ với các âm cuối như z,k,s...
Trên một diễn đàn giao lưu chia sẻ về việc tự học tiếng Anh, anh Đăng Trình (cử nhân khoa Ngữ văn Anh trường ĐH KHXH và NV, hiện đang làm việc tại công ty đa quốc gia) cho biết: "Có thể các bạn nghĩ rằng: Khi mới bắt đầu thì cứ chọn cách học nào dễ hiểu nhất đối với mình, rồi từ từ sửa lại cũng không sao. Đây là một cách nghĩ hoàn toàn sai! Khi thói quen phát âm sai đã ăn sâu vào tiềm thức, bạn sẽ tốn rất nhiều thời gian để học lại cách phát âm đúng. Đó là lý do bạn nên học cách phát âm đúng ngay từ ban đầu".
Theo anh, không nên thay phiên âm quốc tế bằng những âm thuần Việt bởi có rất nhiều phiên âm quốc tế không có âm tương đương trong tiếng Việt. Chẳng hạn như /θ/, /ŋ/, /tʃ/ không thể thay bằng th, ng, ch.
Đồng quan điểm trên, cô Lâm Thư, Thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và Phương pháp giảng dạy tiếng Anh của trường ĐH Victoria Wellington, Úc cho biết: "Khách quan mà nói, bây giờ rất hiếm người lại học tiếng Anh theo cách này. Người học nhìn vào phiên âm quốc tế để đọc chứ không nhìn vào phiên âm thuần Việt. Tiếng và âm là hai cái khác nhau, nếu phiên âm như các kiểu trên thì đúng là ai cũng có thể đọc được một cách dễ dàng nhưng không thể thể hiện hết các âm nhấn, âm đuôi. Nếu học theo cách này, dù có đọc đúng ngữ pháp thì người nước ngoài cũng sẽ không hiểu gì. Theo tôi, chúng ta nên học các chữ cái phiên âm quốc tế, rồi sau đó nhìn vào từ điển và đọc chính xác. Sẽ dễ hơn là đọc từng chữ phiên âm "thô" như vậy".
Trong cuộc trao đổi với báo chí xung quanh việc phiên âm tiếng nước ngoài đang tồn tại nhiều cách sử dụng, PGS.TS Phạm Văn Tình (Viện Từ điển và Bách khoa thư) cho rằng, hiện vẫn có lựa chọn giải pháp phiên âm (số ít) đối với việc dạy cho trẻ hoặc lớp phổ cập văn hóa. Khi các đối tượng này còn chưa nhận diện con chữ thì giải pháp tạm thời là phiên âm nhưng vẫn mở ngoặc để nguyên dạng chữ viết bên cạnh.
"Có quan điểm rằng cần phải phiên âm ra để mang tính quần chúng, phổ cập để mọi người đọc. Nhưng phiên âm có bất lợi là không ai biết chắc chắn là đọc như thế nào, tức là giữa cách viết và cách đọc khác nhau mặc dù tiếng Việt hay các ngôn ngữ khác trên thế giới giữa chữ viết và âm đọc khá gần nhau. Nhưng nói chung nhiều têzn giữa chính tả và chính âm khác nhau, đặc biệt là tiếng Anh, ví dụ như chữ “y” có thể đọc là “i” hoặc là “ai”, chính vì thế mà có người đọc là Lôdơbi hoặc Lôdơbai. Từ đó dẫn tới việc cách mình suy luận, đọc không trùng với cách đọc của người bản ngữ. Chuyện phiên âm để hi vọng đạt tới một cách đọc là không tưởng. Quan trọng hơn cả là khi giao tiếp bằng chữ viết ta lấy mặt chữ làm quan trọng. Mỗi giải pháp đều có lý do. Nhưng giải pháp để nguyên dạng ngày càng được chấp nhận do thuận lợi, không gây trở ngại, hợp với xu hướng thời đại", - TS Tình chia sẻ.