Vượt lên tật nguyền
Khi viết về chủ đề chiến tranh, trong đầu tôi chợt nhớ lại hình ảnh ông Nguyễn Văn Sự, 51 tuổi, trú thôn Kinh Môn (xã Trung Sơn, Gio Linh) cụt 2 chân, ngồi trên chiếc ghế đòn sửa xe đạp. Ngày còn học cấp 1, nhà tôi nghèo không có tiền sửa xe. Biết hoàn cảnh của tôi, mỗi khi tôi đạp xe ngang nhà, thấy xe bị chùng xích hay hư hỏng gì, ông Sự đều gọi lại sửa dùm mà không lấy tiền công. Không riêng gì tôi, nhiều học sinh cũng được ông sửa xe miễn phí như thế. Nhớ lại cái ngày bất hạnh giáng xuống đời mình, ông Sự kể, đó là một buổi sáng cuối năm 1990. Khi ông đang cuốc đất khai hoang thì đụng phải quả mìn, đứt 2 chân. May mắn thoát chết, nhưng sau cái ngày định mệnh đó, ông phải sống trong mặc cảm, đau buồn, có lúc còn nghĩ đến cái chết vì không muốn mình trở thành “cục nợ đời” cho vợ con. Nhưng rồi được sự động viên của bà con lối xóm, đặc biệt là người vợ hiền, ông đã vượt lên...
Ông Hoàng Lãng, 54 tuổi, trú thôn Mai Đàn, xã Hải Lâm (Hải Lăng), trong một lần dọn cỏ ruộng bị một quả bom bi phát nổ cắt cụt 2 tay. Trải qua bao khó khăn, với nghị lực phi thường và ước mơ làm giàu, ông Lãng đã có một cơ ngơi đáng nể với 20ha rừng tràm, 2ha sắn kết hợp đàn bò, gà… bình quân mỗi năm thu nhập 200 triệu đồng. Ông được mệnh danh là “vua trồng rừng bằng cùi tay”. Không những thế, ông Lãng còn là một “kình ngư” của làng bơi người khuyết tật tỉnh Quảng Trị, giành nhiều Huy chương Vàng quốc gia.
Do ảnh hưởng chất độc da cam từ người cha là lính công binh, khi mới sinh ra, 2 cánh tay của em Nguyễn Thị Thương (SN 1995, trú Tân Hiệp, Cam Tuyền, Cam Lộ) bị quéo lại với nhau, không cử động được. Những tưởng cuộc đời em sẽ chỉ là chuỗi ngày đen tối. Vậy nhưng sau hơn 10 năm nỗ lực tập luyện, chịu đựng đau đớn, Thương đã phục hồi gần như toàn vẹn chức năng của đôi tay. Thương có thể đến trường cùng bè bạn, và hiện em đang là sinh viên năm thứ nhất một trường cao đẳng ở Đà Nẵng với tương lai tương sáng trước mắt.
Ở Quảng Trị còn rất nhiều tấm gương nỗ lực vượt lên tật nguyền để sống và trở thành người có ích, nhưng quãng đường của họ quả thật là quá gian nan nếu không có sự trợ giúp hữu hiệu.
Chia sẻ nỗi đau
Cũng là một nạn nhân bom mìn, ông Đỗ Thiên Đăng (54 tuổi, trú thôn Bích Khê, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong) bị quả bom nổ cắt cụt 2 chân. Cuộc đời ông tưởng như chấm hết thì bỗng được thắp sáng. Năm 2003, ông Đăng được Hội ND xã Triệu Long giới thiệu tham gia chương trình hỗ trợ nạn nhân bom mìn của Dự án Renew với tên gọi “Sứ mệnh của nấm”. Dự án đã hỗ trợ ông Đăng số vốn ban đầu là 30 triệu đồng để xây dựng mô hình trồng nấm tại gia đình. Đồng thời dự án còn hỗ trợ nguyên vật liệu, xây lò hấp và bao tiêu sản phẩm. Được sự quan tâm, hướng dẫn tận tình của cán bộ Hội ND xã Triệu Long về kỹ thuật trồng nấm, ông Đăng tập trung trồng mộc nhĩ, nấm sò, và nay mỗi vụ thu nhập trên 10 triệu đồng. Nhờ trồng nấm, ông Đăng có tiền nuôi 2 con ăn học đàng hoàng.
“Sứ mệnh của nấm” là một chương trình hợp tác giữa Dự án Renew và Viện Humpty Dumpty (HDI), với sự tham gia của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Đại sứ quán Nhật Bản, cựu chiến binh Úc... Đến nay dự án đã giải ngân được hơn 1 triệu USD để giúp nạn nhân bom mìn và những người khuyết tật. Đã có 193 hộ được hưởng lợi từ dự án trồng nấm này.
Đối với những nạn nhân chất độc da cam, ông Lê Văn Dăng - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Quảng Trị cho biết, toàn tỉnh có 2.266 nạn nhân có nhu cầu phục hồi chức năng và học nghề. Vì vậy đơn vị đang khẩn trương xây dựng trung tâm nuôi dưỡng bán trú, phục hồi chức năng và dạy nghề cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, giúp họ có điều kiện tìm kiếm việc làm, vượt qua khó khăn vừa tự nuôi sống bản thân mình và đóng góp một phần cho xã hội. “Toàn tỉnh có 8.208 hộ có người nhiễm chất độc da cam/dioxin, với 15.845 nạn nhân, trong đó 4.965 hộ có 2 nạn nhân trở lên. Trong số hơn 15.000 nạn nhân thì chỉ chưa tới 3.000 người tham gia kháng chiến được hưởng chế độ nạn nhân chất độc da cam, số còn lại mới chỉ được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng rất ít ỏi như những người khuyết tật, bệnh tật khác, không đảm bảo cuộc sống tối thiểu. Do vậy cuộc sống của họ đang gặp vô vàn khó khăn. Họ rất cần sự chung tay, góp sức giúp đỡ từ xã hội” – ông Dăng khẩn thiết.