Sau khi phim Để mai tính 2 ra rạp được vài ngày đã có nhiều ý kiến trái chiều về việc khai thác đề tài đồng tính của phim. Đạo diễn Charlie Nguyễn đã có những chia sẻ thẳng thắn trước những “bức xúc” của một bộ phận khán giả.
Đạo diễn Charlie Nguyễn.
- Lý do vì sao anh lại quyết định lựa chọn một nhân vật phụ như Hội để phát triển thành nhân vật chính trong phần 2 của “Để mai tính”?
Sau khi phim Để mai tính ra rạp vào năm 2008, nhân vật Hội của Thái Hòa đã gây ấn tượng mạnh mẽ với khán giả. Điều này khiến tôi rất bất ngờ vì không đoán trước được nhân vật Hội lại đạt được thành công ngoài sức tưởng tượng đến vậy.
Sau đó mỗi lần gặp hoặc làm việc với nhau, chúng tôi hay nói là phải làm một bộ phim mà Hội là nhân vật chính, đi sâu vào kể hết câu chuyện của Hội chứ không phải câu chuyện bên lề như Để mai tính của năm 2008. Mặc dù nhắc đi nhắc lại với nhau suốt như vậy nhưng chúng tôi cứ bị cuốn theo hết dự án này đến dự án khác. Khi nhìn lại đã gần 4 năm trôi qua nên đã quyết định ngồi lại với nhau xây dựng câu chuyện của Hội xem làm được gì chứ cứ nói hoài cũng không ổn.
Thái Hòa là người rất yêu nhân vật Hội cho nên anh đã viết một câu chuyện trong vòng một năm rưỡi và gửi cho tôi xem để trao đổi thêm ý tưởng trước khi dựng thành phim.
- Khai thác sự đồng tính của Hội cho phần 2, anh và ekip của mình có tìm hiểu kĩ càng về cuộc sống của người thuộc giới tính thứ ba không?
Khi làm phim Để mai tính 2, chúng tôi có gửi kịch bản cho một anh là người đồng tính và có quản lý một trang mạng xã hội về những người thuộc giới tính thứ ba. Anh ấy cũng là nhân vật được rất nhiều người trong giới LGBT (cụm từ chỉ về người đồng tính, song tính hoặc chuyển giới - PV) kính trọng. Đến khi phim ra rạp, tôi có mời anh qua đó xem và hỏi ý kiến về bộ phim thì anh bảo không có gì lố cả, chỉ là chưa đã thôi. Anh ấy nói rằng bộ phim Để mai tính 2 vẫn chưa lột tả hết tâm tư của người đồng tính. Tuy nhiên, chúng tôi làm bộ phim này là để cho khán giả mọi giới tính xem được chứ không phải là phim nói về đề tài đồng tính.
Chúng tôi không làm phim để cho những người đồng tính thấy sướng, thấy đã và thấy đây đúng là một bộ phim của họ. Vì nếu thật sự là một bộ phim về đề tài đồng tính thì nó sẽ không có hài trong đó đâu.
Tạo hình của Thái Hòa trong "Để mai tính 2"
- Nhưng sau khi phim ra mắt được vài ngày, đã có một bộ phận khán giả phản ứng khá gay gắt về nhân vật Hội. Họ cho rằng, bộ phim đã làm “méo mó” hình ảnh thật của người đồng tính. Anh nghĩ sao?
Trở ngại lớn nhất khi làm một phim hài đồng tính là sẽ có người nói rằng: “À các bạn lại mượn sự đồng tính để gây cười đây…”. Nghe nói như vậy có vẻ rất đúng vì Hội là bóng và làm toàn những chuyện buồn cười thì có phải nhà làm phim đang mượn giới tính của người ta để làm trò cười cho khán giả không?
Tuy nhiên, nghe thì thấy rất đúng nhưng lại không hề đúng vì thật ra, người ta cười câu chuyện được kể và những tình huống xảy ra trong câu chuyện đó chứ không phải vì anh ta đồng tính nên chúng tôi cười.
Tôi lấy thí dụ, nếu Thái Hòa không đóng vai Hội mà mình đưa một bạn đồng tính thật vào đóng vai đó chắc chắn sẽ không có ai cười cả. Vì cái cười ở đây là nó thuộc về phần diễn xuất, cái duyên của người diễn viên chứ không phải người ta đồng tính thì mình cười. Ngay cả những phim không đóng vai đồng tính như: Thằng Tèo, Long Ruồi, Quả tim máu, Cưới ngay kẻo lỡ… nhưng Thái Hòa vẫn khiến khán giả cười ngả nghiêng đấy thôi.
Thật ra, khi làm Để mai tính 2, tôi và Thái Hòa thấy áp lực lớn lắm vì ở phần đầu, đó là một bộ phim lãng mạn chứ không phải hài hước. Việc đẩy nhân vật phụ lên làm nhân vật chính cũng là một áp lực không hề nhỏ. Chúng tôi phải đoán xem khán giả mong đợi điều gì ở Hội. Tôi và Thái Hòa đã phải đầu tư rất nhiều cho từng phân đoạn để có thể đẩy chất hài và khai thác những mảng miếng hài lên tối đa đáp ứng sự mong đợi của khán giả. Mặt khác cũng phải làm thế nào để khán giả rung động và thương nhân vật Hội sau những tiếng cười.
- Vậy tò mò chút là trong quá trình làm phim “Để mai tính 2” có bao giờ anh thấy Thái Hòa đóng đạt đến mức mà nghĩ… diễn viên này là người đồng tính thật không?
Khi làm Để mai tính năm 2008 tôi luôn luôn có cảm giác như vậy. Tôi hay nghĩ tại sao Thái Hòa có thể lột xác khủng khiếp như thế. Còn với Để mai tính 2, tôi cũng có cảm giác đó nhưng chỉ là khoảnh khắc thôi chứ không có in đậm như hồi đầu. Có thể vì sau 4 năm chúng tôi đã quá thân và biết quá rõ về nhau rồi.
- Những cảnh phim nào trong quá trình quay “Để mai tính 2” khiến anh bị ám ảnh nhất?
Nhiều lắm nhưng có một cảnh hành động của Thái Hòa khiến tôi rất lo vì thiếu sự an toàn cho diễn viên nhưng ngoài mặt tôi vẫn phải tỏ ra bình thường. Tôi biết diễn cảnh đó Thái Hòa cũng cực kì căng thẳng và phải vượt qua nỗi sợ của bản thân mới làm được điều đó vì có thể sẽ phải đánh đổi cả tính mạng chứ không phải là chơi.