Nhiều bệnh nhân vì thế thích chọn cách uống thuốc làm tan sỏi. Cách này không hẳn là sai nếu như sỏi chưa đủ lớn để phải mổ, và nhất là nếu gia chủ để ý vài điểm quan trọng.
Trước hết, đúng là một số cây thuốc có tác dụng tán sỏi. Một ví dụ điển hình là kim tiền thảo. Tuy nhiên, kim tiền thảo không có tác dụng rõ ràng với sỏi có cấu trúc oxalat canxi. Trái lại, dược thảo này có hiệu quả rõ hơn với sỏi có cấu trúc urate. Như thế, thay vì uống thuốc cầu may, người bệnh cần được chẩn đoán trước đó, chẳng hạn qua phân tích nước tiểu, để biết đã vướng loại sỏi nào trước khi quyết định dùng kim tiền thảo. Đó là lý do tại sao có người khen hết lời nhưng cũng không thiếu người thất vọng với kim tiền thảo. Trên thực tế thuốc nào cũng thế, không riêng với kim tiền thảo, thuốc tốt mà dùng sai chỉ định thì thậm chí nhiều khi có hại là khác!
Thêm vào đó, tác dụng của kim tiền thảo không dựa vào cơ chế lợi tiểu. Người dùng thuốc vì thế nên kết hợp với một vài dược thảo có công năng lợi tiểu nhẹ, như râu mèo, râu ngô, atixô... để gia tăng tiến độ đào thải acid uric qua đường tiểu, thay vì khoán trắng cho kim tiền thảo.
Kế đến, dù dùng cây thuốc nào cũng thế, quan trọng vô cùng là uống nước cho đủ, nhất là trong giờ làm việc và thói quen đi tiểu ngay mỗi khi mắc tiểu. Gặp được thầy hay, thuốc tốt mà quên uống nước thì chỉ giúp cho sỏi đóng cứng đâu đó dọc đường tiết niệu. Trong nhiều trường hợp, sỏi có kích thước nhỏ, tăng nước uống và không nín tiểu đã đủ để sỏi được đào thải.
Sau hết, theo kết quả của nhiều công trình nghiên cứu, chất đạm lecithin trong đậu nành có khả năng phá vỡ cấu trúc của sỏi để viên sỏi thành sạn cát rồi theo dòng nước tiểu trở về với thiên nhiên. Không chỉ người đã mang sỏi thận, ngay cả đối tượng có cơ tạng dễ bị sỏi thận cũng nên có chế độ dinh dưỡng ít nhiều theo kiểu “ăn chay” cho thường với đậu hũ, sữa đậu nành không đường...