Dân Việt

Đừng phân biệt, đối xử với nông dân

Thiên Hương (ghi) 18/12/2014 08:25 GMT+7
Câu chuyện của nông dân Trần Quốc Hải, ở ấp 2, xã Suối Dây (huyện Tân Châu, Tây Ninh) – người đã cải tiến nhiều loại máy móc nông nghiệp và được Chính phủ Campuchia tặng Huân chương Đại tướng quân với thành tích sửa chữa xe bọc thép là đề tài đã làm dấy lên cuộc tranh luận về sáng chế của nông dân Việt trong suốt thời gian qua. Là người trong cuộc, ông Hải đã có những chia sẻ của chính mình về vấn đề này.

img

Ông Trần Quốc Hải (giữa) mang máy bay tự chế tạo đi triển lãm ở Đức. ( Ảnh: Nguồn Internet) 


Hiện nay, Nhà nước vẫn chưa có cơ chế, chính sách thỏa đáng nhằm khuyến khích nông dân tham gia sáng tạo khoa học, thậm chí vẫn còn tình trạng phân biệt đối xử, thờ ơ với những sáng chế của nông dân. Nhiều nơi cũng vận động nông dân mang công trình sáng chế đi dự thi, nhưng khâu chấm giải thì còn nhiều điều đáng bàn. Tôi đã từng đem máy trồng khoai mì (sắn) đi trình diễn tại một cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật và không nhận được giải gì, nhưng khách hàng ở nước ngoài đều đánh giá máy trồng mì của tôi là một trong những mẫu máy tiêu biểu, hoạt động hiệu quả nhất thế giới.

 

Quan điểm

Nông dân Trần Quốc Hải
 Việc nghiên cứu, sáng chế của nông dân không phải lúc nào cũng thuận lợi. Có người còn tỏ ra coi thường cái “mác” nông dân, áp đặt suy nghĩ rằng nông dân thì sao có thể nghiên cứu”. 
Nước ta có gần 70% dân số là nông dân, vì thế bà con rất cần những loại máy móc nông nghiệp vừa rẻ tiền, vừa hiệu quả, nhưng lâu nay bà con vẫn phải tự bươn chải mọi khâu. Cũng do xuất phát từ nhu cầu bức thiết đó mà những nông dân như chúng tôi đã tự mày mò chế tạo ra các loại máy móc, trước hết là phục vụ nhu cầu gia đình, sau đó phục vụ bà con xung quanh. Tuy nhiên, trong quá trình đó không phải lúc nào cũng thuận lợi, có người còn tỏ ra coi thường cái “mác” nông dân, áp đặt suy nghĩ rằng nông dân thì sao có thể nghiên cứu được khoa học?

 

Để không bị tụt hậu với thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học nói chung và chế tạo máy nông nghiệp nói riêng, tôi cho rằng đã đến lúc những người làm chính sách, người làm quản lý và cả những nhà khoa học cần phải nhìn nhận lại vấn đề, đầu tư cho nghiên cứu khoa học một cách hợp lý, đừng phân biệt đối xử với những người nông dân không bằng cấp nhưng đam mê sáng tạo. Trước mắt, nông dân có thể không được hỗ trợ về vốn, nhưng Nhà nước nên khuyến khích, ủng hộ và tạo điều kiện cho họ bằng cách cắt giảm thủ tục giấy tờ chứng nhận, làm cầu nối giúp họ đưa sản phẩm ra thị trường...