Dân Việt

Bảo tồn chợ nổi Cái Răng

HUỲNH XÂY 18/12/2014 08:23 GMT+7
Chợ nổi Cái Răng (TP.Cần Thơ) đã tồn tại hơn 100 năm qua với những nét văn hóa đặc trưng riêng của người dân miệt sông nước miền Tây. Các ngành chức năng đang tìm phương án để bảo tồn và phát huy thế mạnh loại hình chợ nổi này.

Nơi mưu sinh của thương hồ miền Tây

Những năm đầu thế kỷ XX, ngành nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phát triển ngày càng cao, kéo theo hàng hóa bị dư thừa cần có nơi tiêu thụ. Lúc này đường bộ chưa phát triển trong khi khúc sông nơi chợ nổi là nơi hợp lưu của nhiều nhánh sông (Cần Thơ, Đầu Sấu, Cái Sơn, Cái Răng Bé…) và có diện tích khá lớn nên người dân sống trên ghe tàu ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL đã dần tụ họp về đây mua bán, trao đổi hàng hóa.

img


Cảnh mua bán tấp nập ở chợ nổi Cái Răng.    

Lúc đầu, chợ nổi Cái Răng chỉ mua bán gốm sứ, lá lợp nhà, than, chiếu. Sau đó, nhu cầu hàng hóa ngày càng tăng nên đã có thêm nhiều ghe chở rau củ, trái cây đi bán. Trong những năm gần đây, du khách đến chợ nổi Cái Răng ngày càng nhiều nên đã hình thành thêm các dịch vụ kèm theo như: Ghe tàu đưa rước khách, ăn uống, sửa đồ, hàn điện, trạm xăng dầu nổi…

 

Nét đặc trưng, độc đáo của chợ nổi Cái Răng là hàng ngày các tiểu thương chỉ nhóm mua bán nhộn nhịp từ 4-6 giờ sáng và đến khoảng 8- 9 giờ thì vãn ra. Khi đến tham quan, du khách phải đi bằng ghe tàu nhỏ, len lỏi vào từng khoảng trống giữa các ghe neo đậu. Để biết được ghe tàu đó bán gì thì du khách chỉ cần nhìn trên cây sào cao được dựng phía trước hay đuôi ghe tàu (người dân gọi là cây bẹo) treo loại nông sản nào thì bán loại nông sản đó.

Xem xét phương án bảo tồn

Từ lâu, chợ nổi Cái Răng đã trở thành thương hiệu du lịch của TP.Cần Thơ và được nhiều du khách trong và ngoài nước (Pháp, Mỹ, Hà Lan, Đức, Anh, Úc…) lựa chọn làm nơi đến trong các chuyến đi du lịch về miền Tây. Tuy là điểm đến được nhiều nơi biết đến nhưng hiện nay chợ nổi đang dần thu hẹp.

Theo Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch TP.Cần Thơ, năm 2005, chợ nổi Cái Răng có khoảng 550 chiếc ghe tàu neo đậu thì hiện chỉ còn khoảng 250 chiếc. Nguyên nhân do việc đi lại bằng đường bộ ngày càng phát triển, theo đó công việc mua bán vận chuyển hàng hóa thuận lợi hơn. Trong khi đó, chính sách hỗ trợ các tiểu thương cũng như các phương án bảo tồn, phát triển chợ nổi vẫn chưa được triển khai.

Trước thực trạng trên, mới đây UBND TP.Cần Thơ đã có buổi làm việc với các ngành chức năng có liên quan để tìm phương án giải quyết. Tại đây, UBND quận Cái Răng đã đưa ra đề án “Cải tạo, nâng cấp chợ nổi Cái Răng giai đoạn 2014-2016” (tổng kinh phí thực hiện dự kiến khoảng 26 tỷ đồng).

Ông Lê Hùng Dũng - Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ lưu ý: “Chúng ta tuyệt đối không thu thuế với các tiểu thương sống trên chợ nổi. Ngược lại, họ phải được xem xét hỗ trợ các chính sách về giáo dục, y tế, vốn. Khi xây dựng đề án, chúng ta phải chú ý làm sao giữ nguyên hiện trạng tự nhiên của chợ nổi, không can thiệp vào quá nhiều”.

  Tạp chí Du lịch Rough Guide (Anh) vừa công bố danh sách 10 khu chợ tuyệt vời nhất thế giới, trong đó có chợ nổi Cái Răng. Chợ nổi này được mô tả là một trong những chợ đặc biệt   lạ mắt với các thuyền bán hàng rực rỡ sắc màu nhiệt đới. Ngoài ra, trang web   du lịch Youramazingplaces cũng đưa ra danh sách 6 chợ nổi đẹp nhất châu Á- trong đó có chợ nổi Cái Răng.