Đề xuất này nhanh chóng gây tranh cãi bởi thực tế mức sinh của cả nước là 2,1 nhưng ở thành thị chỉ đạt 1,86, nông thôn là 2,21. Các vùng kinh tế phát triển thì mức sinh thấp còn vùng khó khăn thì mức sinh lại cao. Nếu các cặp vợ chồng tự quyết định số con theo kiểu “có sinh mà không có dưỡng” sẽ gây nhiều hệ lụy.
Hồn nhiên “tự quyết” số con
Với bình quân mỗi hộ gia đình hai thế hệ có tới 6,1 người, làng Ea Luh (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah, Gia Lai) được mệnh danh là làng “siêu” đẻ ở Tây Nguyên. Chiều chạng vạng. Con đường đất đỏ chạy giữa làng Ea Luh bụi mù mịt vì hàng chục đứa trẻ lớn nhỏ đang chơi trò đuổi bắt, đá bóng. Trong sân nhà, anh K’Pă Hon (SN 1974)- Trưởng làng kiêm công an viên làng Ea Luh đang bế đứa con vừa tròn 1 tuổi. Vây quanh K’Pă Hon là mấy đứa trẻ cả trai và gái quần áo lôi thôi, lem luốc đang nghịch đất. Qua trò chuyện K’Pă Hon cho biết đám trẻ đều là con mình.
Ông Nguyễn Công Minh- Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hưng cho biết, làng Ea Luh 100% người dân tộc Xê Đăng, trong đó đa số là hộ nghèo. “Bà con quan niệm đẻ được cứ đẻ, nhưng nếu cứ sinh đông con thế này tương lai sẽ rất khó khăn, ảnh hưởng chung cho cả xã hội”- ông Minh lo lắng.
Ngược lại, người dân ở xã Chiềng Sại (Bắc Yên, Sơn La) “tự quyết” số con theo hướng tiến bộ. Các gia đình ở đây đều là người dân tộc Mường, Dao, Mông nhưng hầu hết chỉ có 2 con. Chị Đinh Thị Khèm- Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Chiềng Sại, cho biết: Xã có 3.550 khẩu, trong đó có 1.240 nữ từ 14 tuổi trở lên. Có nhiều gia đình đã có 2 con gái, người thân muốn đẻ thêm cũng không đẻ vì “không nuôi được”. Ông Vì Văn Xám (75 tuổi, ở bản Co Muồng) khẳng định: “Các con, cháu của tôi đẻ đứa con đầu xong là nghỉ tới 6-7 năm mà chẳng thấy đứa thứ 2 đâu vì còn phải lo học hành, làm ăn”.
Hướng tới “sinh đẻ có trách nhiệm”
Theo ông Nguyễn Văn Tân- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), mọi chính sách của Nhà nước, kể cả nghị quyết của Đảng đều không kiểm soát, không ép buộc người dân ở bất cứ thành phần nào, vùng miền nào, dân tộc nào về số con sinh ra. Năm 2011, Ủy ban Kiểm tra T.Ư có ban hành hướng dẫn xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình. Chỉ những người trong tổ chức Đảng mới phải chịu hình thức kỷ luật.
Nếu trước đây, khẩu hiệu tuyên truyền mà ngành dân số hướng tới là “mỗi gia đình chỉ sinh từ 1 - 2 con” thì từ năm 2014, khẩu hiệu đó đổi thành “mỗi gia đình hãy sinh đủ 2 con”. Nói về khẩu hiệu này, ông Tân cho biết là để khuyến khích các gia đình sinh đủ 2 con để “đạt mức sinh thay thế”.
Thực tế ở Việt Nam có 29/63 tỉnh thành chưa đạt mức sinh thay thế. Ngoài ra, một số vùng còn có mức sinh xuống quá thấp. Đặc biệt, tại TP.Hồ Chí Minh, số con trung bình từ năm 2012 trở lại đây chỉ còn 1,3-1,5 con, ở mức báo động. Ông Nguyễn Cảnh Nhạc- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình nhấn mạnh: “Mức sinh xuống thấp sẽ đe dọa đến an sinh xã hội như dân số già, người lao động ít, người phụ thuộc nhiều. Trong khi đó, nhà nghèo thì đẻ 5-7 con, đã nghèo càng nghèo hơn, chất lượng dân số thấp nhưng nhà giàu chỉ đẻ 1 con, thậm chí trì hoãn sinh con. Đề xuất vợ chồng tự quyết định số con rất đáng chú ý nhưng đi kèm với nó phải là trách nhiệm nuôi dưỡng để đảm bảo chất lượng dân số”.