Dân Việt

Thương nhớ Bùi Ngọc Tấn

Nhà văn Nguyễn Quang Thân 19/12/2014 08:22 GMT+7
Chỉ cách đây mấy ngày thôi, tôi vừa hỏi thăm chị Bích là bao giờ anh chị lại vào Sài Gòn chữa bệnh và trốn rét. Từ ngày xa Hải Phòng rồi Hà Nội, tôi chỉ còn chờ dịp ấy để gặp lại Bùi Ngọc Tấn thôi. Nhưng anh đã đi rồi, đi thật rồi...

6 giờ 15 phút sáng 18.12.2014, nhận tin về Tấn. Vậy là anh đã bước sang bên kia đường biên mà “không một du khách nào có thể quay đầu trở lại”. Cái chết sao mà ghê gớm. Nó quen thuộc, nó diễn ra hàng ngày hàng giờ bên ta nhưng không ai quen được với nó. Nó vẫn luôn ghê gớm và gây bàng hoàng dù tức tưởi hay được báo trước như cái chết của Tấn.

Một thời văn thơ dại...

Từ năm 1964 thế kỷ trước chúng tôi đã quen nhau, cùng bước vào đời văn, cùng ở chung một thành phố, cùng chung những người bạn văn bạn đời. Hải Phòng - cái thành phố hồi đó còn nhỏ, hẹp nhưng không kém rộn rịp vì có bến cảng và tàu bè ra vào.

Anh Nguyên Hồng - người bạn lớn của chúng tôi hầu như vài tháng lại có mặt ở nơi anh “khai sinh” ra Tám Bính và Năm Sài Gòn. Những tên tuổi khác từ đây thành danh rồi ra đi, những Thế Lữ, Văn Cao, Nguyễn Đình Thi cũng làm chúng tôi ấm lòng, ngưỡng mộ. Không phải vô cớ mà mỗi lần về Hải Phòng, anh Nguyên Hồng thường rủ thêm Văn Cao. Những lần đó, chúng tôi - hai đứa học trò nhỏ, bé tý nhưng vẫn được gọi đến chiếu rượu ở đâu đó vì dù sao thì cũng là thổ công, ít nhất cũng biết lòng lợn, thịt chó ở đâu ăn được, rượu lậu ở đâu uống được. Ít nhất cũng có cái xe đạp tàng mỗi đứa đèo một danh nhân phía sau.

img
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn (phải) cùng nhà thơ Lê Bầu.    T.L

Tấn làm báo Hải Phòng, tôi thỉnh thoảng viết bài cho báo anh, nhờ anh và Nguyên Bình lĩnh hộ nhuận bút. Và cả ba đứa gặp nhau những dịp đưa bài, chuyển nhuận bút ấy. Ngồi uống trà, hết ấm này đến ấm khác ở nhà Nguyên Bình.

Buôn dưa lê như những bà nội trợ chính hiệu. Chị Thịnh - vợ cũ của Nguyên Bình là một người tốt bụng, hiếu khách, làm ở Công ty Công nghệ phẩm (tạp hóa). Hàng tháng mỗi nhà báo được 1 gói chè, 3 bao thuốc lá Tam Đảo nhưng chúng tôi nhịn thèm đưa bán hết ngay khi vừa mua xong theo giá bao cấp rẻ như cho. Khi một nơi nào đó có 3 thằng viết văn trẻ ngồi với nhau thì cả ngày không hết chuyện, âu cũng là lớp học trường đời. Học hài hước, học phản biện, học kiến thức và thu nhận thông tin. Tin vỉa hè. Tin nội bộ do ông anh, ông chú nào đó rỉ tai. Khi tất cả mọi người chỉ có một kênh thông tin là những tờ báo ra hằng ngày thường giống nhau y chang thì 3 thằng nhà báo mới tập tễnh viết văn ngồi bên ấm trà là chuyện gì cũng có thể thành tin hot.

 

Còn chuyện văn chương ư? Chúng tôi đã viết được vài cuốn sách, dăm bảy truyện ngắn in báo Văn Nghệ nhưng bây giờ nhìn lại thì chưa thể gọi đó là văn chương. Văn học tổ đội, văn học sản xuất. Cái này thì Tấn có sẵn đề tài vì anh làm báo, lại ở tổ công nghiệp, còn Nguyên Bình tổ nông nghiệp. Chuyện gì cũng biết. Mà chỉ là những chuyện sản xuất. Văn chương chúng tôi mới có trong tay là văn chương đề tài. Chúng tôi tự trào mình là nhà văn tổ đội.

Chúng tôi chỉ nhìn thấy thành tích sản xuất chứ chưa nhìn thấy bóng dáng con người. Cái bóng dáng mà nhà thơ Hữu Loan đã nhìn thấy từ năm 1947 trong tuyệt phẩm Đèo Cả khi cuộc kháng chiến chống Pháp đang khốc liệt. “Sau mỗi trận đánh/ Ngồi bên suối đánh cờ/Kẻ hái cam rừng ăn nheo mắt/Người vá áo thiếu kim mài sắt/Người tìm mảnh chai vểnh cằm cạo râu/Suối mang bóng người trôi những về đâu?”.

Đọc thơ Hữu Loan. Đọc thơ Văn Cao. Đứa nào nhớ gì đọc nấy. Nhờ những buổi chuyện gẫu dài lê thê hết chuyện khôn dồn chuyện dại ấy mà chúng tôi tỉnh ra về văn chương từ khá sớm. Những nhà văn trẻ mồ côi ngơ ngác tựa gà trống. Mầm mống của những tìm tòi rụt rè nhưng không kém quyết liệt ít nhất với chúng tôi. Cũng là mầm mống của những đau khổ không thể hình dung nổi. Cái mầm mống ấy sẽ làm nên chút gì đó cho văn chương mãi mấy chục năm về sau, đặc biệt qua những tác phẩm nổi tiếng của Tấn. Nhưng… không ngờ.

Hàng ngàn trang sách vẫn sống

Tấn là người vác cây thánh giá trong khu vườn văn chương đích thực nhưng chưa được hiểu, thường bị phủ nhận. Nguyên Hồng nghe. Văn Cao nghe. Các anh đã nhìn thấy cái mầm mống ấy... Nhưng cả hai anh chỉ nghe mà không khuyến khích, cũng không phản ứng gì với những chế diễu hài hước rất có sẵn của chúng tôi. Ai cũng mơ hồ sợ một cái gì mà không biết là cái gì.

Hải Phòng bị ném bom. Hải Phòng bị phong tỏa. Từ nơi sơ tán tôi lặng người (và sợ hãi nữa) nghe tin Tấn bị bắt. Hồi đó chỉ có Nguyên Bình thỉnh thoảng đi cùng chị Bích thăm nuôi Tấn. Không có mấy tin tức về anh.

Cả chị Bích, cả Nguyên Bình và cả tôi cũng như nhiều văn nghệ sĩ Hải Phòng không biết anh bị bắt về tội gì. Năm năm sau anh được thả, cũng không biết vì sao được thả. Có lần anh bộc bạch, để làm hồ sơ lãnh chút lương hưu còm, anh đến xin giấy chứng nhận thời gian bị bắt để có được một cái “lý lịch rõ ràng”. Anh bị từ chối vì những người bắt anh đã về hưu, những người đương nhiệm thì không rõ nên không chứng nhận được, ấy là họ nói thế. Có lẽ chính anh cũng không biết vì sao mình bị bắt rồi được thả mà không ra tòa. Tôi an ủi anh hãy coi như 5 năm tiềm sinh của gấu Bắc cực ngủ đông. Rõ ràng là cậu có bị bắt bao giờ đâu? Anh chỉ cười buồn.

Tiểu thuyết và truyện ngắn của Tấn là một tượng đài trong khu vườn văn chương tiếng Việt hiện đại. Chữ nghĩa có số phận riêng, có sức mạnh riêng. Nó đã là của người đời. Tấn không mang theo đã đành mà người đang sống cũng không ai có quyền năng hủy diệt được chúng.

Chết là hết. Tấn đã chết. Vì ung thư. Đời như anh không ung thư mới lạ. Nhưng anh khác một số người là hàng triệu con chữ, hàng ngàn trang sách của anh vẫn còn sống. Và nói anh đã chết có đành lòng không?

 Nhà văn Bùi Ngọc Tấn sinh ngày 3.7. 1934 tại làng Câu Tử Ngoại, xã Hợp Thành, huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng. Ông bắt đầu viết văn, viết báo từ 1954, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Một số sáng tác chính của nhà văn đã in như: Mùa cưới, Đêm tháng Mười, Người gác đèn biển, Ngày và đêm trên vịnh Bái Tử Long, Nhật ký xi măng, Viết về bè bạn, Biển và Chim bói cá...