Theo đánh giá của bà Mai, một thách thức lớn hiện nay đó là tỷ lệ tái nghiện khá cao. Thống kê cả nước có hơn 200 nghìn người nghiện ma túy, tăng 12,2% so với năm 2013. Hiện 100% tỉnh, thành phố trên toàn quốc có người nghiện ma túy, với 142 trung tâm cai nghiện ma túy cả nước đang quản lý và điều trị cho hơn 30 nghìn người. Bên cạnh đó, tại cộng đồng cũng đang điều trị cho 22 nghìn người bằng Methadone.
Đáng lo ngại số trường hợp sử dụng ma túy tổng hợp tăng cao. Trung tâm Giáo dục dạy nghề thanh thiếu niên 2 TP.HCM cho biết, năm 2013 có 35% người cai nghiện ma túy đá tại trung tâm, đến năm 2014 con số này tăng lên 40%. Rất khó điều trị các bệnh nhân này, họ rất dễ bị kích động, công tác cắt cơn giải độc, tư vấn tâm lý đều khó khăn.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận cho biết, điều trị bằng Methadone cũng gặp khó khăn do số thuốc phân phối cho thành phố ít hơn nhu cầu. Thành phố đã xin tăng cơ số thuốc nhưng không được. Trạm y tế phường xã không thể đáp ứng điều kiện của Bộ Y tế- mỗi trạm phải có 3 phòng, diện tích mỗi phòng 10m2 cho công tác cai nghiện tại cộng đồng, cộng với thiếu nhân lực. Một số ý kiến của các tỉnh khác cho rằng, để hỗ trợ tốt cho công tác cai nghiện tập trung, cần đẩy mạnh công tác dạy nghề và giải quyết việc làm tại các cơ sở cai nghiện và đào tạo, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện.
Bà Trương Thị Mai cho rằng, việc cai nghiện ma túy là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, thường xuyên liên tục, lâu dài và rất khó. Để phòng chống và cai nghiện có hiệu quả, nhân văn, sẽ tổ chức cai nghiện cùng lúc nhiều hình thức tại gia đình, cộng đồng và tập trung. Tiếp tục nghiên cứu xây dựng các mô hình cai nghiện tại cộng đồng có hiệu quả.