Dân Việt

Phát hiện ngôi nhà cổ hơn 200 năm tuổi ở Hà Tĩnh

19/12/2014 08:45 GMT+7
Theo Bảo tàng Hà Tĩnh, vừa qua, trong quá trình điền dã, khảo cứu các Di sản văn hóa vật thể trên địa bàn huyện miền núi Hương Sơn, các cán bộ chuyên môn cơ quan này phát hiện tại thôn Cao Thắng, xã Sơn Lễ đang bảo tồn một ngôi nhà cổ, kiến trúc thời Nguyễn, có niên đại trên 200 năm.

Phát hiện ngôi nhà cổ trên 200 năm

Cổng vào ngôi nhà cổ được kết cấu kiến trúc theo kiểu cổng làng Việt xưa.

Ngôi nhà cổ nói trên nằm phía trước Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia nhà thờ Cao Thắng. Trước đây, chủ nhà là một thương gia giàu có trong vùng, sau đó rời quê hương sang Lào làm ăn, sinh sống nên ngôi nhà được một gia đình người dân trong làng mua lại để cư trú.

Qua khảo sát nghiên cứu bước đầu, ngôi nhà được bảo tồn khá nguyên trạng, có kiểu dáng kiến trúc thời Nguyễn, phía trước là cổng nhà, được thiết kế theo kiểu thức cổng làng truyền thống của người Việt cổ xưa với cổng mái vòm, phía trên và hai bên cổng được trang trí các hoạ tiết hoa văn cầu kỳ, tinh xảo bởi hình dây leo cách điệu; cổng được xây bằng vật liệu đá ong truyền thống.

Phát hiện ngôi nhà cổ trên 200 năm

Phát hiện ngôi nhà cổ trên 200 năm

Các bộ phận kiến trúc ngôi nhà như: xà, hạ, đuôi kẻ… được chạm khắc các hoạ tiết hoa văn cầu kỳ, tinh xảo.

 Phía trong ngôi nhà được kết cấu 3 gian bằng gỗ lim, các vì kèo và đuôi kẻ được chạm khắc các hoạ tiết hoa văn hình chim muông, các hoa lá dây leo cách điệu, mái lợp ngói âm dương; cửa phía trước làm bằng các phiến gỗ dày, được cấu trúc kiểu trụ xoay, phía trên là các hoạ tiết tiện hình độc bình liên tiếp đều nhau.

Ở gian hồi phía đông, xung quanh được xây bằng vật liệu đất sét, dập kiểu viên gạch theo khối hình chữ nhật, ghép chồng lên, đều nhau. Đây là kiểu kiến trúc nhà ở truyền thống của cư dân người Việt xưa, thường bắt gặp ở các vùng quê nông thôn miền núi Hương Sơn, Hương Khê vào những thập niên thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.

Phát hiện ngôi nhà cổ trên 200 năm

Tường hồi ngôi nhà được xây cất bằng vật liệu đất sét dập kiểu viên gạch hình chữ nhật.

 Theo các nhà nghiên cứu di sản, nhà cổ là một trong số các loại hình kiến trúc di sản vật thể tiêu biểu cần được bảo tồn và nghiên cứu. Việc phát hiện ngôi nhà cổ nói trên là một cứ liệu lịch sử nhằm giúp các nhà nghiên cứu lịch sử, dân tộc học và kiến trúc tìm hiểu thêm về sự tồn tại của những ngôi nhà cổ truyền thống trong suốt thời gian dài, góp phần bảo tồn nghiên cứu những giá trị kiến trúc, thẩm mỹ về loại hình nhà ở truyền thống của cư dân bản địa trong suốt quá trình lịch sử và cần thiết được bảo tồn gìn giữ nguyên trạng./.