Người ông đồng thời là người giám hộ của cậu bé cũng nằm trong số những người ký tên vào đơn đề nghị đuổi bé trai 8 tuổi này ra khỏi nhà để “bảo vệ sức khỏe của người dân trong làng”.
Bài báo trên tờ Thời báo Hoàn Cầu cho biết bé trai bị nhiễm vi rút từ mẹ, và bệnh được phát hiện khi em phải điều trị một vết thương nhỏ năm 2011.
Báo cáo trước đó cho biết cậu bé – được truyền thông đặt cho biệt danh là Kunkun – đã không được nhập học tại trường ở địa phương và dân làng luôn tránh tiếp xúc với em.
"Không ai chơi với cháu, cháu toàn phải chơi một mình," Kunkun nói. Báo chí cũng cho biết trong lá đơn Kunkun bị gọi là “quả bom hẹn giờ”.
"Nhiều người dân thông cảm với cháu, cháu vô tội và chỉ là một đứa trẻ nhỏ," Wang Yishu, bí thư chi bộ làng Shufangya nói. "Nhưng căn bệnh HIV và AIDS mà cháu mang trong người quá đáng sợ đối với chúng tôi."
Theo tờ Thời báo Hoàn cầu, mẹ của cậu bé đã bỏ nhà đi năm 2006, trong khi cha em “mất liên lạc” sau khi bệnh của Kunkun được chẩn đoán. Vụ việc đã làm bùng nổ sự tranh cãi trên các mạng xã hội của Trung Quốc, và nhiều người đặt câu hỏi tại sao người dân lại có thể lạnh lùng như vậy trước một em bé.
"Tại sao cậu bé lại bị bỏ mặc một cách nhẫn tâm như vậy, thật là không công bằng," một người viết. "Đó là vì người dân Trung Quốc chưa được giáo dục đầy đủ, khiến họ vô cảm và hoảng sợ," một người khác nói.
Hồi đầu tháng này Ủy ban Y tế và Kế hoạch hóa gia đỉnh Quốc gia của Trung Quốc cho biết tính đến hết tháng 10, đã có tổng cộng 497.000 người ở Trung Quốc có chẩn đoán HIV/AIDS kể từ ca bệnh đầu tiên ở nước này năm 1985. Dân số Trung Quốc hiện là 1,36 tỷ người.
Phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV/AIDS vẫn là một vấn nạn ở các trường học, bệnh viện, nơi làm việc và những nơi khác trên khắp đất nước, một yếu tố mà các chuyên gia cho rằng đang cản trở những nỗ lực chẩn đoán và điều trị vi rút này.