Dân Việt

“Với hậu thế, không có văn bản tác phẩm nào của nhà văn Ngô Tất Tố là chuẩn“

Thanh Hà 20/12/2014 08:25 GMT+7
"Với hậu thế, không có văn bản tác phẩm nào của nhà văn Ngô Tất Tố là bản chuẩn. Do đó mà công ty Nhã Nam đã phải ghi xuất xứ được lấy nguyên văn từ bản in của NXB Mai Lĩnh. Tôi nghĩ hành động đó được làm theo đúng tinh thần khoa học và rất đáng hoàng ở khía cạnh tôn trọng quyền nhân thân của tác giả...", nhà văn Tạ Duy Anh, Phó ban biên tập NXB Hội nhà văn chia sẻ.

 

img

Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền của các tác phẩm nhà văn Ngô Tất Tố. Ảnh: TTVH

Ngày 15.12, tại Hội thảo về quyền tác giả văn học tổ chức ở Hà Nội, con gái Ngô Thị Thông Lịch và con rể Cao Đắc Điểm của nhà văn Ngô Tất Tố cho biết bản in các tác phẩm Tắt đèn, Lều chõng, Việc làng do chính họ biên soạn, đã đăng ký quyền tác giả biên soạn với Cục Bản quyền tác giả VHNT, là bản chuẩn mực. Và công ty Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn in sai không đúng với bản quyền mà gia đình đã đăng ký. 

Phóng viên Dân Việt đã có cuộc trao đổi, trò chuyện với nhà văn Tạ Duy Anh, Phó ban biên tập NXB Hội nhà văn và được ông cho biết, ông không đại diện cho NXB Hội Nhà văn để trả lời, ông chỉ là người biên tập và là một độc giả đọc tác phẩm của nhà văn Ngô Tất Tố muốn giãi bày chia sẻ.

Là người biên tập và chịu trách nhiệm xuất bản những tác phẩm Lều chõng và Việc làng, ông có thể chia sẻ về những ý kiến qua lại của gia đình nhà văn Ngô Tất Tố và công ty Nhã Nam?

- Trước hết tôi khẳng định, quá trình xin cấp phép, biên tập bản thảo, cấp phép xuất bản cho những tác phẩm trên là hoàn toàn tuân thủ Luật Xuất bản và Luật Bản quyền. Sở dĩ có chuyện tranh cãi theo tôi chỉ là do chưa hiểu đúng bản chất của sự việc.

Những  tác phẩm  Lều chõng, Việc làng của nhà văn Ngô Tất Tố mà NXB Hội nhà văn và Công ty VHTT Nhã Nam vừa ấn hành đã không còn bản quyền, tức là thuộc về xã hội.

Vì nhà văn Ngô Tất Tố đã qua đời nên ý muốn của ông cần phải được khẳng định qua di chúc. Nếu có bằng chứng ấy, tôi rất muốn gia đình cung cấp vì điều đó cũng là mong mỏi của người như tôi vừa với tư cách biên tập viên, vừa với tư cách độc giả.

 Được biết con gái nhà văn Ngô Tất Tố là bà Ngô Thị Thông Lịch và chồng có làm khảo sát công trình của cụ Ngô Tất Tố, đồng thời bổ sung những phần được cho là thiếu của những tác phẩm trên và đăng ký bản quyền với Cục Bản quyền tác giả VHNT. 

Và theo bà Ngô Thị Thông Lịch, việc đăng ký bản quyền này đồng nghĩa với việc văn bản tác phẩm được đưa ra khảo sát trong công trình đó là bản chuẩn mực và các nhà xuất bản phải in theo bản chuẩn mực đó. Theo tôi đây là sự hiểu lầm cả trên phương diện pháp lý lẫn trách nhiệm với tiền nhân. 

Không phải sự khôi phục văn bản nào của hậu thế cũng chính đáng với ý định tác giả khi họ còn sống. Nó mang tính khoa học thì luôn tốt. Còn chính trị hóa nó thì chỉ gây buồn cười thôi. Bởi vì một văn bản văn học kiểu như Lều chõng, Việc làng, ngoài giá trị nghệ thuật, nó còn có giá trị lịch sử nữa.

Tuy nhiên đứng về mặt tình cảm, con gái nhà văn Ngô Tất Tố mong muốn những tác phẩm của bố mình được in đúng, đầy đủ nhất theo ý mình, cũng là điều dễ hiểu. Và những công trình khảo sát do vợ, chồng bà soạn thảo cũng rất đáng ghi nhận. Bởi công chúng lại có điều kiện để được biết, đọc, so sánh những văn bản tác phẩm này với với những văn bản tác phẩm khác.

Việc công ty Nhã Nam in, xuất bản theo văn bản của NXB Mai Lĩnh cũng không thể nói đó là bản chuẩn?

- Trong sáng tác, một tác phẩm nào đó chỉ có một văn bản chuẩn do đích thân tác giả lựa chọn khi sống và trước khi qua đời có di chúc mọi người mặc nhiên phải chấp nhận. Nhưng tôi không thấy điều đó với trường hợp các tác phẩm của cụ Ngô Tất Tố. 

Vì thế, với hậu thế, không có văn bản tác phẩm nào của nhà văn Ngô Tất Tố là bản chuẩn. Do đó mà công ty Nhã Nam đã phải ghi xuất xứ được lấy nguyên văn từ bản in của NXB Mai Lĩnh. Tôi nghĩ hành động đó được làm theo đúng tinh thần khoa học và rất đáng hoàng ở khía cạnh tôn trọng quyền nhân thân của tác giả.

img

Vậy với tư cách cá nhân, ông nghĩ sao khi gia đình nhà văn Ngô Tất Tố nói rằng sẽ dọa kiện công ty Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn?

- Tôi nghĩ mỗi người đều có quyền làm bất cứ việc gì bảo vệ mình khi họ tin rằng việc đó là đúng pháp luật và đạo lý. Hiện tại gia đình nhà văn Ngô Tất Tố đang nghĩ NXB Hội Nhà văn và Công ty VHTT Nhã Nam sai, xâm hại lợi ích của họ nên họ có thể kiện. Tuy nhiên các đơn vị trên có sai hay không lại phải chờ sự phân xử của cơ quan quản lý Nhà nước, của pháp luật.

Thưa ông liệu sau vụ tranh cãi chưa hồi kết giữa gia đình nhà văn Ngô Tất Tố và công ty sách Nhã Nam, NXB Hội Nhà văn, liệu các tác phẩm văn học khác có cần làm ngay động thái đi đăng ký bản quyền thành bản chuẩn và chỉ được phép xuất bản theo đúng bản đó?

- Tôi nghĩ nếu có tư cách là người thừa kế, đồng thời có chứng cứ rằng đang đại diện cho tác giả để khẳng định văn bản nào đó là văn bản chuẩn tác giả mong muốn thì việc đó chả có gì bất bình thường cả. 

Nhưng tôi không thấy có lý do để cường điệu tính cấp bách của chuyện đó bởi vì tôi cũng là người sáng tác, tôi hiểu tính khác biệt của văn bản qua mỗi lần xuất bản. 

Nó là hiện tượng quá bình thường. Chẳng hạn có cuốn sách của tôi được tái bản đến 8 lần thì cho ra 8 văn bản khác nhau và đều là chủ ý của tôi. Về những sự cố tương tự thì từ khi tôi đứng ở vị trí biên tập, đây là lần đầu tiên xảy ra vụ việc như vậy.

Xin cảm ơn ông!