Dân Việt

Ảnh báo chí “Đất và Người”: Khơi trúng mạch ảnh dân dã

Đức Thảo 20/12/2014 07:55 GMT+7
Đã có không ít lo âu khi Báo NTNN tổ chức Cuộc thi ảnh báo chí “Đất và Người”, bởi không biết có được hưởng ứng hay không. Thực tế đã chứng minh điều ngược lại, dòng ảnh đổ về đầy ắp vì cuộc thi đã khơi trúng mạch ảnh “dân dã”. 

Những câu chuyện từ cuộc sống

Những người tổ chức cuộc thi đã khá bất ngờ vì bạn đọc, các tay máy tiếp nhận rất nhanh. Ngay từ những ngày đầu, ảnh gửi về dự thi nhiều và đều, đa phần là ảnh trực tiếp từ cuộc sống. Từ người dân, cán bộ các chi hội nông dân, giáo viên, học sinh, sinh viên… trên mọi miền Tổ quốc.

Có thể nói là mọi giới và tầng lớp đã bày tỏ sự quan tâm và hưởng ứng nhiệt liệt với cuộc thi ảnh báo chí lần đầu tiên do Báo NTNN tổ chức. Tuy nhiên, điều thú vị nhất ở đây không phải là số lượng mà chính là những câu chuyện trong ảnh.

img
Tác phẩm “Gùi nhẹ” của Trần Thiết Dũng.

Từ bộ ảnh đầu tiên của Cuộc thi: “Mùa ngô ở Si Ma Cai”, nữ tác giả Quỳnh Mai đã bỏ khá nhiều công sức lên nương cùng người dân ở 2 xã Mản Thẩn và Sín Chéng, huyện vùng cao Si Ma Cai, Lào Cai. Từ những buổi đi nương bẻ ngô, ăn mèn mén cùng người dân đã đưa đến người xem những khuôn hình chân thật về vụ mùa thu hoạch lớn nhất của người dân nơi đây. Bộ ảnh chưa thật tốt nếu theo cách nhìn chuyên nghiệp, nhưng có lẽ đã là sự gợi mở về phong cách cuộc thi: Tìm cái đẹp từ nhọc nhằn mưa nắng.

Liên tục sau đó, Ban tổ chức nhận được hàng loạt tác phẩm ảnh đơn, ảnh bộ, đa phần từ những tác giả không chuyên về nhiếp ảnh nhưng có thế mạnh rất lớn là đang sống, làm việc tại nông thôn, thậm chí những bức ảnh chụp về chính người thân của họ. Bên cạnh sự độc đáo về hình ảnh là sự độc đáo về những câu chuyện nho nhỏ, nhẹ nhàng, vô cùng thú vị, từ cuộc sống đi ra: Chuyện như cổ tích về người con trai nhút nhát, thổ lộ tình yêu với bạn gái bằng cách đào chiếc ao hình trái tim… để kết thúc bằng việc “họ sống trong ngôi nhà bên cạnh chiếc ao ấy” của tác giả Nguyễn Hữu Thông (tác phẩm “Ao tình yêu”).

Nhiều nhất phải kể đến nhóm ảnh về cuộc mưu sinh của người nghèo. Cậu sinh viên năm cuối Ngọc Vũ về quê mình ở Quảng Trị chụp hình ảnh người đàn ông mưu sinh bằng nghề vét giếng để nuôi 4 người con, trong đó có 1 người bị bệnh nặng. Khuôn hình và câu chuyện rất ấn tượng khiến chính Vũ phải thốt lên: “Em không nghĩ mình chụp được như vậy”. Người già lao động cũng được “kể” nhiều, nhưng đa phần theo góc nhìn đầy nhân văn: “Gùi củi thương con” của tác giả Hoàng Quân kể về một bà mẹ ngày đi lấy củi vì thương các con nghèo, “đỡ chúng nó chút nào hay chút ấy”. Hay câu chuyện “Nghề giữ người” của tác giả Mai Hà lý giải câu chuyện bà cụ hơn 80 vẫn ngồi đan nón vì “quen từ nhỏ, không làm ốm mất” - cái nghề, cái việc với cụ nhiều khi còn cần hơn cơm ăn…

Có những tác phẩm với cách nhìn rất lạ: Một nạn nhân bom mìn sau chiến tranh cụt cả hai chân, kiếm sống bằng nghề đi xếp gạch vào lò, được tác giả Ngọc Viên kể là “việc nhẹ”. Nhẹ vì đó là việc nhẹ nhất trong chuỗi công việc mà những bạn cùng làm sắp xếp cho ông vì thương hoàn cảnh khốn khó. Kể về nỗi nhọc nhằn của cuộc sống mà đầy ắp yêu thương con người và tình người, như động viên mỗi người cũng là cách tôn vinh những tình cảm đẹp đẽ, đơn sơ nhất phía sau lũy tre làng.

Những tác giả và câu chuyện trên dù chưa được trao giải thưởng lần này nhưng đã tạo thành mạch truyện riêng mang “thương hiệu” của Cuộc thi “Đất và Người”, thu hút bao người xem.

Trưởng thành cùng cuộc thi

Trong số hơn 7.000 tác phẩm gửi đến cuộc thi có đến hơn 70% của các tác giả nghiệp dư từ nông thôn và rất gần gũi với nông thôn. Cũng khá bất ngờ nhưng thật vui vì qua nhiều vòng chấm thi, số tác giả đạt giải cũng có đến 70% là các tay máy nghiệp dư. Lê Thị Ngân- cô gái khuyết tật ở thôn La Phẩm, xã Tản Hồng, huyện Ba Vì, Hà Nội, sau cuộc thi được mọi người biết đến nhiều hơn với biệt danh “Cô gái chụp ảnh trên xe lăn”. Với Ngân, chiếc máy ảnh đã giúp cô giải phóng khỏi bao mặc cảm về cuộc sống để cô ra khỏi hàng rào quẩn quanh trước sân nhà để “mọi đứa trẻ trong thôn phải theo em để xem ảnh em chụp” như lời Ngân tâm sự. Ngân nằm trong số những tác giả nhiệt tình nhất của cuộc thi, và cũng thật có hậu khi cô giành giải Nhì với bộ ảnh “Mẹ tôi”.

Đồng hành nhiệt tình với cuộc thi cũng phải kể đến hai chị em cùng ở Đà Nẵng: Trịnh Thu Nguyệt (giải Nhất ảnh đơn) và Võ Hoàng Vũ (Giải Ba ảnh bộ). Họ có thể gọi là những người… si mê nhiếp ảnh. Quá trình nhận ảnh gửi về, Ban tổ chức nhận thấy sự tiến bộ từng ngày của những tác giả này. Cũng không ngạc nhiên khi kết thúc cuộc thi cả hai chị em không chỉ giành giải mà có lẽ đã bước qua lằn ranh nghiệp dư để sang chuyên nghiệp. Thu Nguyệt khoe đã bắt đầu nhận được những hợp đồng chụp ảnh “và bắt đầu có thu chứ không còn chỉ biết chi”. Rất nhiều tác giả khác nữa đến với cuộc thi và đã trưởng thành theo cách ấy.

Với chúng tôi - những người tổ chức cuộc thi và có lẽ cả nhiều nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp cũng “học” được rất nhiều qua những câu chuyện ảnh đơn giản, mộc mạc và cũng độc đáo bậc nhất từ những tác giả nghiệp dư này.

Ngày 23.12 tới tại Hà Nội, Ban Tổ chức Cuộc thi ảnh Đất và Người sẽ tổ chức  trao giải cho 16 tác phẩm đoạt giải trong tổng số hơn 7.000 ảnh dự thi suốt 1 năm qua.