Dân Việt

Nghiến cổ… vượt biên

Việt Tùng 22/12/2014 06:55 GMT+7
Huyện Thông Nông (Cao Bằng) từ lâu được biết đến như “vương quốc gỗ nghiến” với hàng nghìn cây nghiến cổ thụ vài trăm tuổi, có cây đường kính tới 4 - 5m. Song những năm gần đây, những rừng nghiến cổ đang bị lâm tặc băm nát tan hoang, rồi vận chuyển đi tiêu thụ, hợp thức hóa dưới nhiều hình thức khác nhau…

Phóng viên NTNN/Dân Việt đã thâm nhập vào đường dây tiêu thụ gỗ nghiến xuyên Việt và tận mắt chứng kiến cảnh lâm tặc hạ sát nghiến cổ.

Nghiến được xẻ thành hộp nhỏ, hoặc dạng khúc tròn ngắn, thớt rồi được “nghiến tặc” chở bằng xe máy, gùi qua biên giới bán cho đầu nậu Trung Quốc (TQ). Mỗi ngày, hàng nghìn mét khối gỗ nghiến vẫn lặng lẽ theo “nghiến tặc” vượt biên, mà không gặp phải bất cứ trở ngại nào.

Theo chân phu nghiến

Năm nào cũng thế đến hẹn lại lên, nhất là mùa khô, tại các xã Cần Nông, Lương Thông… (Thông Nông, Cao Bằng) lại vào “mùa” nghiến tặc hoành hành. Sở dĩ chỉ vào mùa khô, nạn “nghiến tặc” mới nở rộ, bởi hầu hết những cây nghiến cổ thường mọc ở những núi đá tai mèo cao, cheo leo. Hơn nữa do nạn khai thác nghiến bừa bãi trước đây, nên những cây dễ đã bị chặt phá hết, chỉ còn lại những cây ở địa thế khó, nên vào mùa khô ráo mới có thể tiếp cận khai thác được.

img

Khi đi dọc biên giới khu vực xã Cần Nông (Thông Nông, Cao Bằng) chúng tôi đã bắt gặp hàng chục phụ nữ gùi thớt nghiến qua bên kia biên giới bán. Ảnh: Việt Tùng


Chúng tôi tìm về bản Nà Tênh, xã Cần Nông, bản giáp ranh với TQ vào một ngày đầu tháng 12. Đứng ở đầu bản nhón chân lên có thể nhìn thấy nhà người dân bên TQ và chỉ mất khoảng 15 – 20 phút đi bộ đường rừng là có thể chạm chân lên đường biên giới, bước sang bên kia TQ. Đây là bản người Dao, Mông, chỉ vỏn vẹn 12 nóc nhà, mỗi hộ một chỏm đồi, nhưng nghèo đến chạnh lòng.

 

Dừng xe ở đầu dốc, giáp ranh với huyện Bảo Lạc chúng tôi gặp anh nông dân Triệu Quang Hồ đang vác cày, dắt bò lên nương. Trong vai “đầu nậu” buôn gỗ nghiến sang TQ, chúng tôi được anh nông dân này chỉ cho vài điểm tập kết nghiến của một số “đầu nậu” nhỏ. Có địa chỉ, chúng tôi tìm đến “kho” nghiến của một người tên Chiêu, nằm ngay dưới chân dốc, sát với cánh rừng nghiến bạt ngàn.

Khi chúng tôi đến, gia chủ không có nhà, rất may cánh cửa sổ của căn nhà 2 gian, vách trát vữa mà Chiêu dùng làm kho chứa nghiến không cài chốt. Ghé mắt nhìn vào, chúng tôi giật mình bởi hàng trăm chiếc thớt nghiến đủ kích cỡ, đường kính trung bình khoảng 40 – 60cm và rất nhiều hộp nghiến đường kính khoảng 30 – 50cm, dài 80 – 1,2m.

Lần theo vết xe, chúng tôi tiến sâu vào cửa rừng, mặc dù còn cách vị trí “nghiến tặc” đang khai thác khá xa, song đã nghe tiếng cưa máy gầm rú. Sau đó rung chuyển cả cánh rừng là tiếng nghiến đổ ầm ầm như bão quật.

Chúng tôi định leo núi thị sát, song do địa hình phức tạp, núi cao, vực thẳm, hơn nữa một số người dân can rằng các đối tượng “nghiến tặc” rất táo tợn. Nếu phát hiện cơ quan chức năng hay người lạ, không cần biết mục đích, chúng sẵn sàng chống đối bằng cách lăn đá… Để đảm bảo an toàn, chúng tôi quyết định tìm cách tiếp cận khác.

Ngày hôm sau, trong vai khách du lịch thăm quan biên giới, chúng tôi trở lại Cần Nông, lần theo đường mòn mà các phu nghiến thường gùi thớt nghiến sang bên gia biên giới để giao cho đầu nậu TQ. Dọc một đoạn đường biên khoảng 5km, chúng tôi đếm được có hơn chục đường tiểu ngạch để các phu nghiến có thể gùi thớt nghiến vượt biên.

Trong khoảng 1 giờ đồng hồ, đã có đến vài chục phu nghiến, mỗi phu gùi từ 3 – 6 thớt nghiến vượt qua biên giới, mà không gặp bất cứ cản trở nào từ các cơ quan chức năng.

Không còn gì để... phá

Quan điểm

Ông Bế Văn Ấm • Phó Bí thư Đảng ủy xã Cần Nông
 Đúng là “miệng ăn núi lở” và bây giờ núi lở hết rồi, trên rừng chẳng còn gì nữa để mà phá. Còn gì nữa đâu mà bảo vệ!”. 
Trao đổi với chúng tôi ông Bế Văn Ấm – Phó Bí thư Đảng ủy xã Cần Nông cho biết, Cần Nông là một trong những xã vùng biên có đường biên giới dài 6km, thuộc diện xã 30a, nghèo nhất huyện với tỷ lệ hộ nghèo gần 50%, hơn 60% mù chữ. Hiện còn 5 bản chưa có điện là Lũng Vai, Phiêng Pán, Nà Ca, Khau Rựa… có bản cách trung tâm xã tới 3 giờ đồng hồ đi bộ như Lũng Vài. Do đó đời sống của người dân nơi đây còn vô cùng khó khăn.

 

Ông Ấm thừa nhận, trước đây Cần Nông là một trong những xã có rất nhiều nghiến, song hiện gốc nghiến chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay, do nạn khai thác bừa bãi của người dân.

Ông Ấm cũng thừa nhận hiện vẫn xảy ra tình trạng người dân gùi thớt nghiến theo đường tiểu ngạch vượt biên sang TQ. Nhưng do lực lượng quá mỏng, nên việc ngăn chặn gặp rất nhiều khó khăn. Về tiếng cưa máy gầm rú trên núi ở bản Nà Tênh, ông Ấm phỏng đoán: “Đó là rừng giáp ranh với xã Lương Thông, chứ Cần Nông không còn nghiến nữa. Chỉ còn vài cây ở chỗ khó thôi”.

“Khai thác gỗ nghiến nhiều vậy, sao người dân nơi đây vẫn nghèo?” - tôi hỏi. Ông Ấm cho biết, mặc dù người dân nơi đây đã chặt trụi cả rừng nghiến, nhưng vẫn nghèo là bởi gỗ nghiến họ khai thác chủ yếu bán lậu cho đầu nậu TQ với giá rẻ. Hơn nữa, khi có tiền họ lại lao vào rượu chè, chứ không tích lũy hay đầu tư nuôi gia súc hoặc gia cầm, nên năm này qua năm khác vẫn không thoát khỏi cái nghèo.

(Còn nữa)