Mắc bệnh vì bán tiết canh
Ngày 6.5, khoa Cấp cứu - Điều trị tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư tiếp nhận bệnh nhân Trần Quang Long, 38 tuổi (Xuân Lĩnh, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) trong tình trạng hôn mê sâu, suy đa phủ tạng, sốc nặng.
Bệnh nhân Trần Quang Long đang được điều trị tại khoa Cấp cứu - Điều trị tích cực. |
Anh Long làm nghề bán tiết canh, cháo lòng, hàng ngày anh và vợ con tiếp xúc trực tiếp với thịt lợn sống. Chị Nguyễn Thị Đào - vợ anh Long cho biết: “Chúng tôi mới mở quán bán tiết canh hơn 1 tháng. Thịt lợn thì toàn lấy mối quen nên cũng không nghĩ là vì ăn thịt lợn hay tiếp xúc với lợn mà bị bệnh. Cũng may cả nhà và các khách hàng vẫn khỏe”.
Ngay sau khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn, ù tai, rối loạn tri giác, anh Long được gia đình chuyển tới bệnh viện. Tuy nhiên, sau nhiều ngày điều trị, bệnh nhân vẫn trong tình trạng nhiễm khuẩn, trụy mạch, rối loạn đông máu nặng, suy hô hấp, suy đa phủ tạng.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó Trưởng khoa Cấp cứu - Điều trị tích cực, cho biết: “Hiện nay bệnh nhân đã qua được thời kỳ nguy hiểm. Chúng tôi đang tiến hành dùng kháng sinh điều trị nhằm tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh, đồng thời phục hồi cơ quan phủ tạng. Sau khi phục hồi, bệnh nhân có thể phải tiến hành cắt bỏ các chi đã bị hoại tử”.
Không may mắn như anh Long, chị Hà Thị Vè, 43 tuổi (Kim Chung, Hưng Hà, Thái Bình) nhập viện tối 7.5 đã tử vong sau ít giờ điều trị. Theo bệnh án còn lưu lại, chị Vè nhập viện trong tình trạng bệnh tình quá nặng, không còn khả năng điều trị. Cơ thể bị suy đa phủ tạng, sốc huyết, hôn mê sâu… Chị Vè cũng làm nghề bán cháo lòng, tiết canh. Bản thân chị là người trực tiếp giết mổ và làm thịt lợn, do đó bị nhiễm bệnh liên cầu từ lợn.
Bệnh tiến triển nhanh
Do bệnh liên cầu khuẩn lợn có biểu hiện lâm sàng gần giống với bệnh viêm màng não mủ và nhiễm đường huyết nên việc phát hiện, nhận diện đúng bệnh rất khó khăn. Nhiều trường hợp bệnh nhân đưa đến viện quá muộn.
Bác sĩ Đào Thanh Hải - Phó Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cho biết: “Tính từ đầu năm 2011 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận 7 trường hợp mắc liên cầu khuẩn lợn. Trong đó 1 trường hợp đã tử vong, 6 trường hợp còn lại có những biến chứng nặng nề phải cắt bỏ chi, mất sức lao động”.
Thực tế, có nhiều trường hợp bệnh nhân bị nhiễm bệnh nhưng không được phát hiện và điều trị sớm dẫn đến tử vong ngay tại nhà. “Số bệnh nhân không chỉ có vài chục người như hiện nay mà có thể lớn hơn nhiều lần” - bác sĩ Hải khẳng định. Cũng theo bác sĩ Hải, hầu hết các bệnh nhân đều đến từ các vùng nông thôn, trực tiếp chăn nuôi lợn và chế biến sản phẩm từ thịt lợn.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư khuyến cáo: “Thời tiết nóng nực cộng với mưa gió thất thường khiến các loại vi khuẩn gây bệnh ngày càng diễn biến phức tạp. Bệnh liên cầu khuẩn lợn gây nhiễm trùng nặng, tỷ lệ tử vong rất cao. Do đó, người dân nên chủ động phòng bệnh bằng cách khi giết mổ phải có các thiết bị phòng hộ, nếu bị sây sát chân tay thì không nên giết mổ. Khi bệnh nhân có triệu chứng sốt cao, xuất huyết dưới da cần phải vào viện ngay. Bệnh tiến triển rất nhanh, nếu để muộn thì rất khó chữa”.
Nguyệt Minh